VN88 VN88

Lỡ lầm

Chương 8

Nguyên với tay tắt màn hình bộ nhớ. Anh khoan khoái ngả mình trên chiếc giường. Căn phòng hoàn toàn chìm trong yên lặng. Anh chợt nhớ Phúc ghê gớm. Gần một tuần rồi anh không gặp cô. Đợt thi tốt nghiệp cuối năm và công việc ở trung tâmtin học làm anh bận rộn suốt. Dù muốn hay không hiện giờ Nguyên cũng là cánh tay đắc lực của ba anh. Từ khi Phó giám đốc phụ trách về chuyên môn giã từ cơ sở của ba anh để tự đứng ra thành lập cho mình một cơ sở riêng. Nguyên đã thay ông làm nhiều thứ. Từ một lập trình viên anh đã nhanh chóng nắm bắt công việc của một phó giám đốc để điều hành mọi việc…
Có tiếng bà nội Nguyên ở dưới nhà:
– Nguyên à! Không ăn cơm sao? Gần một giờ rồi!
Anh nghiêng người qua rồi đáp to:
– Con xuống liền nội ơi!
Miệng nói thế nhưng anh vẫn chưa ngồi dậy. Cho tay ra sau ót gối đầu, Nguyên vẩn vơ suy nghĩ. Đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu được tại sao anh lại yêu cô bé Phúc đến thế. Nguyên biết cũng có người yêu anh… Nhưng nếu anh chỉ là một người đẩy xe ba bánh để kiếm tiền đi học thì họ có yêu anh không?
Nguyên chợt thở dài. Dù sao anh cũng đã sống một cuộc sống quá phóng đãng, sa đoạ. Anh đã dan díu hết người đàn bà này đến người con gái nọ. Tình yêu, nếu có thì đối với anh cũng chỉ là thú vui thân xác, nó không mang ý nghĩa trong sáng thiêng liêng nào cả…
Lại có tiếng bà Năm gọi. Nguyên lười biếng ngồi dậy. Anh bước vội xuống lầu. Bà Năm càu nhàu:
– Làm việc cũng phải có thì có lúc, có ăn, có ngủ. Tối ngày mày chỉ ôm ba cái máy vi tính, không thì đi biệt tăm. Nữa đứa nào ưng mày nó cũng khùng.
Nguyên làm thinh. Anh mở lồng bàn ra rồi bới cơm vào chén. Lúc này anh mới cảm thấy đói.Anh nhìn bà nội, bà đang lui cui gì đó ở phía tủ lạnh. Nguyên hỏi:
– Ông nội ăn cơm chưa bà Nội?
– Ôi! Không đợi được mày. Ăn đi… Mà công việc nhiều lắm hả Nguyên?
– Dạ! Con phải dò lại mấy chương trình mà người ta đã lập cho an tâm
– Mấy bữa nay sao không thấy ba con ghé?
Nguyên ngừng đũa nhìn bà Năm:
– Ba con đi Đà Lạt mà nội.
– Vậy sao? Nó có nói đâu mà tao biết. Nó đi làm chi? Đi với ai? Rồi hổm rày mình con coi chỗ làm hả?
– Dạ
Bà Năm nhìn anh thở dài xót xa:
– Mà tao cũng chẳng hiển nổi cha con tụi bây, thằng nào cũng không biết lo. Cha bây hai thứ tóc trên đầu rồi chớ còn nhỏ nhít gì nữa. Hết cặp con đàn bà này tới con đàn bà nọ. Tao thấy con Cúc đoàng hoàng mà sao nó không ưng?
Nguyên làm thinh. Anh cắmcúi ăn cho xong bữa. Bà Năm nói tiếp:
– Mấy tháng nay con không đi rông, đi đêmnữa nội cũng mừng. Tu tỉnh lại đi con. Tao với ông nội bây cũng gần đất xa trời rồi, ráng lo cho bây đến đâu hay đến đó.
Bà lại đến tủ lạnh bưng ra cho Nguyên một đĩa chôm chôm:
– Mà nè, tao không cho mày phụ ba mày gì nữa hết. Nó ỷ có mày làm nó đi chơi suốt.
Nguyên chặc lưỡi nhìn bà:
– Không phải đâu nội, ba con đi công chuyện mà.
Bà Năm hằm hè:
– Hừ! Lại dấu tao. Cha con bây cá mè một lứa. Ăn chơi là giỏi.
Rồi như chợt thấy gương mặt Nguyên không vui, bà nhỏ nhẹ:
– Nội nói vậy con bực mình, mà phải không chớ? Mạnh cha, cha đi nhảy. Mạnh con, con đi nhót… Mấy con nhỏ đó có yên thương gì bây? Con mà hết tiền thì cũng hết thấy nó.
Nguyên cười cười:
– Con tu rồi nội ơi! Nội không thấy mấy tháng nay con đi xe đạp không sao?
Bà Năm nhìn anh lạ lùng:
– Ờ! Mà sao con không đi xe chớ?
Vừa lột trái chôm chôm, anh vừa nói:
– Thì nghe lời nội, con thử nghèo coi có ai theo không?
– Rồi sao? Có không?
– Có con theo người ta hà nội ơi!
Nhìn gương mặt giả bộ thiểu não của Nguyên, bà Năm lắc đầu cười. Chợt bà nghiêm lại, kéo ghế ngồi đối diện với anh:
– Nguyên nè!
Nguyên ngạc nhiên, anh hơi bối rối một chút:
– Có gì không nội?
Bà Năm hơi ngập ngừng rồi hỏi thẳng:
– Mày với con Liên có gì không?
Nguyên làm thinh. Anh ngó lơ ra cửa sổ:
– Sao không nói?
Bà Năm thở dài:
– Nó là nhân tình của cả hai cha con bây phải không?
Bà Năm thở dài ngao ngán:
– Tao với ông nội mày đâu có ăn ở ác đức mà sao đời con cháu đồi bại dữ vậy?
Nguyên đứng dậy. Anh bước ra cửa sổ nhìn ra sân. Anh nói như đang hứa hẹn:
– Con không có mẹ, con chỉ có nội. Từ giờ trở đi nội không bao giờ phải buồn khổ vì con nữa.
Rồi anh pha trò:
– Con tu rồi mà. Bộ nội không tin à? Chắc con phải cạo đầu quá…
Bà Năm hừ một tiếng rồi nói:
– Mày giỏi đánh trống lảng lắm.Tao hỏi mày trả lời đi.
– Nội nghe lời thiên hạ chi cho khổ. Chuyện đó có gì đâu mà lạ…
Bà Năm chợt nổi giận:
– Đồ quỉ, mày đừng nói vậy với nội. Mày không tìm được đứa con gái nào khác nữa sao mà phải làm như vậy?
Nguyên nhíu mày. Anh không muốn nghe ai nhắc tới chuyện riêng tư đầy những bóng đen dơ bẩn của mình. Nguyên nói nhỏ:
– Con vai nội đừng nói nữa. Ai mà không có những lầm lỡ. Bản thân con đã là một lầm lỡ của ba má con rồi…
Anh chua chát:
– Nhiều khi con nghĩ tại sao mình lại có mặt trên đời này. Tại sao mình có cha mẹ mà như trẻ mồ côi. Tại sao mình như món nợ đời của mọi người.
Bà Năm giận dỗi:
– Mày ăn nói như vậy hả Nguyên?
– Con xin lỗi nội.
Nguyên đứng dậy, anh bước nhanh như chạy trốn lên lầu. Đến giường,anh nằm vật xuống. Hơn bao giờ hết anh ao ước có Phúc bên cạnh. Gương mặt nghịch ngợm, hồn nhiên và bướng bỉnh của cô rực rỡ như đoá hướng dương làm Nguyên tự thấy mình tối tăm tội lỗi. Anh sợ Phúc biết nhữngtháng ngày sa đoa anh đã sống qua…
– “Gỗ mun”, anh đang cần thứ ánh sáng rực rỡ của em. Anh sẽ sống đoàng hoàng hơn, vì em trong sáng quá, anh phải xứng đáng với em. Cô bé ạ!
Anh nằm suy nghĩ vẩn vơ rồi ngủ thiếp đi.
Đã ba giờ chiều… Nguyên choàng thức dậy. Anh vội vàng bước vào nhà tắm mở hết cỡ “rôbinê”… những tia nước từ gương sen ào ào rơi xuống làm anh tỉnh táo, khoan khoái. Nguyênlau đầu cho thật khô. Bước vào phòng của mình, anh mở nhạc thật to. Anh quơ chiếc áo sọc caro màu xanh mặc vào. Anh nhảy từng hai nấc để xuống thang. Bà Năm nhìn anh. Nguyên mỉm cười:
– Con đi một chút cho thoải mái… Chiều con về…
Rồi anh bước ra sân lấy xe đạp cà tàng đạp đi. Anh biết bà nội rất lo lắng và yêu thương anh. Trước đây đã có nhiều lần giận dỗi anh bỏ nhà đi, nên lúc nãy nếu anh im lặng đạp xe ra bà nội sẽ rất lo rồi bắt chị Sáu nấu bếp đi tìm anh khắp nơi cho xem.
Khoảng sân nhà Phúc giờ này yên tĩnh lạ lùng. Nguyên thò tay vào trong kéo quả chuông nhỏ. Tiếng leng keng vang lên nghe đến vui tai. Mỗi lần đến, kéo chuông, nghe tiếng leng keng của nó tim Nguyên luôn rộn ràng một niềm vui khó tả. Anh hình dung ra gương mặt xinh xắn thông minh của cô bé mà anh trót yêu.
Chẳng phải đợi lâu, cô bé của lòng anh đã ra tới cổng. Vẫn cái nghiêng đầu lém lỉnh và đôi mắt nâu như có nắng bên trong. Phúc cười tươi như trẻ con. Cô đợi anh vào sân rồi đưa tay chốt cổng lại:
– Phúc không nghĩ là anh sẽ đến giờ này.
– Phúc đang ngủ trưa hả?
Nhìn Nguyên trìu mến, cô thì thầm:
– Không! Em đang nghe nhạc
– Hôm nay Phúc không ra chợ?
– Em ra lúc sáng rồi
Hai người đến bên chiếc ghế đá. Phúc phụng phịu:
– Gần một tuần mất tiêu… Thấy ghét!
Nguyên dịu dàng:
– Mấy hômnay anh làmviệc nhiều lắm. Ngồi trước màn hình mãi mỏi mắt ghê đi. Anh mới ăn cơm xong… Nhớ em quá…
– Thật hông?
Cô nghịch ngợm:
– Anh đưa lưỡi liếm mũi đi. Nếu đụng em mới tin anh nói thật.
Nguyên bật cười, anh kéo mạnh cô vào lòng, nhanh lẹ quẹt đầu lưỡi mình ngay chót mũi Phúc. Rồi Nguyên ghì chặt cô trong vòng tay mình, anh hôn cô say đắm. Phúc cảm thấy thụ động đón nhận môi Nguyên. Anh ngạc nhiên rồi sung sướng buông nhẹ cô ra. Anh không ích kỉ, nhưng còn gì hạnh phúc hơn khi mình là người đầu tiên hôn lên môi người yêu của mình.
Phúc bẽn lẽn giấu mặt mình vào ngực anh:
– Sao mãi đến hôm nay anh mới hôn em?
Nguyên nâng cằm cô lên dịu dàng nói:
– Vì anh yêu em.
Phúc vẫn chưa chịu, cô ấm ức:
– Thế… còn đêm đó… Tại sao anh làm như vậy?
Nguyên thở dài:
– Lúc đó anh là một con người khác bây giờ. Hôm đó anh không hôn em mà đúng là anh muốn làm cho em phải khóc, cho em phải chịu thua anh…
Phúc im lặng, cô nghe Nguyên nói tiếp:
– Sau đó anh về nhà trằn trọc không ngủ được. Anh nghĩ mình đã lầm lỗi khi hành động như một tên thô bạo, nhưng tự ái không cho phép anh trở lại xin lỗi em. Với lại, anh không cho rằng mình sẽ phải khổ vì một cô gái nào cả, huống chi cô gái ấy lại là em, một con người rất bướng mà ban đầu anh chỉ có ý định đốn ngã thôi…
Phúc cười:
– Con trai cắn người ta là xấu, chắc anh không ngờ bị em tát cho một cái rớm máu?
Phúc âmyếm kéo mặt anh xuống. Ngón tay trỏ cô vẽ một vòng quanh môi Nguyên. Mắt cô chân thật:
– Em sẽ không dữ dằn như thế nữa đâu. Lần đầu tiên trong đời em đánh người khác. Mà kì thật, đánh người ta xong mình lại khóc giống như mình bị người ta đánh.
Nguyên xúc động:
– Có khóc không?
Phúc nũng nịu:
– Có.
Nguyên nhéo mũi cô:
– Vì sao khóc hở “Gỗ mun”?
– Vừa ức vừa đau chớ sao nữa.
Nguyên âu yếm:
– Anh hứa sẽ không bao giờ làm em phải khóc nữa.
Phúc nói thêm:
– Và cũng không bao giờ dối em bất cứ điều gì?
Nguyênchợt bối rối, anh cầm tay Phúc im lặng, rồi anh cúi xuống tha thiết:
– Nhắm mắt lại đi, “Gỗ mun”
– Sao lại bắt em nhắm mắt?
– Vì mắt em trong sáng quá mà anh thì tội lỗi rất ghê. Con người tội lỗi mà cứ thèm hôn…
– Nhắm mắt lại thì tội lỗi của anh cũng vương trên môi em mà. Nên tốt nhất là tội gì em cũng tha hết.
– Nhưng bản thân anh không tha cho anh nếu anh chưa nói hết với Phúc về con người thật của anh.
Phúc ngơ ngác:
– Anh dối em điều gì?
Nguyên nhìn lên những tàn lá trên cao:
– Anh không dối nhưng anh chưa nói với em về con người anh.
Quay sang nhìn Phúc, Nguyên âu yếm:
– Đi uống café với anh
Phúc thắc mắc:
– Sao lại phải ra quán café hả anh?
– Anh muốn mình sẽ ngồi nói chuyện bên hai li café đen như hai người tri kỉ thật sự. Rồi sau đó…
Nguyên không nói tiếp. Lòng Phúc bỗng dấy lên một nỗi hoang mang kì lạ. Cô chăm chú nhìn anh. Nguyên như đang suy nghĩ xa xôi điều gì. Vầng trán anh hơi nhíu lại và đôi mắt tập trung nhìn vào một nhánh sứ Thái Lan hồng thẫm.
Cô ái ngại nhìn anh:
– Chờ em một chút.
Phúc bước vào nhà, trở ra cô mang cho anh một li chanh muối
– Uống đi anh, em vào thay quần áo.
Phúc quay vào nhưng Nguyên kéo cô lại:
– Uống với anh…
Phúc cười, uống xong ngụm nước cô đưa li tận môi Nguyên rồi Phúc lách bước vào nhà.
*
**
Hai người đến quán café cũ. Nguyên cũng chọn bàn dưới gốc sơri. Kéo ghế cho Phúc ngồi xong, anh hỏi:
– Uống gì đây, bà “Gỗ mun”?
Phúc nhìn anh nhõng nhẽo:
– Anh uống gì em uống cái đó.
– Thế thì hai li café sữa nhé.
Nguyên ngồi chống cằm nhìn Phúc. Hômnay trông cô rất dễ yêu với chiếc áo thun cổ lọ ngắn tay màu trắng và chiếc quần jean xanh bó kéo dây ở hai ống chân. Trông cô vừa trẻ con vừa gợi cảm một cách dễ thương kì lạ. Anh vẫn thích nhìn vào mắt cô, cái ánh mắt nâu luôn sưởi ấm lòng anh. Hômnay ánh mắt ấy trông bồn chồn thế nào:
– Anh Nguyên, sao không nói gì với em hết vậy?
– Anh đang chuẩn bị nói đây.
Phúc vuốt mái tóc ngắn của mình:
– Anh làm Phúc lo. Không biết chuyện gì quan trọng đến nỗi nói chuyện với Phúc mà phải chuẩn bị?
Nguyên trầm giọng:
– Anh rất yêu em. Điều này nói ra đã cũ, nhưng anh muốn anh phải được nói với em. Lời nói ấy chưa bao giờ là thói quen của anh cả. Anh đã tự vấn lòng mình và hiểu rằng ngoài em ra anh chưa hề yêu ai… Đừng nhìn anh như thế, Phúc. Có thể em sẽ xa lánh anh khi đã nghe anh nói về anh. Điều đó sẽ làm anh khổ sở nhưng anh không muốn giấu em điều gì cả.
Phúc bỡ ngỡ nhìn Nguyên. Cô không đoán ra điều Nguyên sắp nói là chuyện gì nhưng nhìn anh cô thấy nao nao. Gương mặt anh nghiêm chỉnh, mắt anh long lanh và môi anh luôn mím lại. Một chút gì vừa chịu đựng, vừa đầy vẻ chua cay hiện ra trong mắt anh.
– Anh không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mỗi người sinh ra đều có một số phận riêng. Số phận cho anh được chào đời trong một gia đình khá giả. Lúc nhỏ anh đã quen cách sống muốn gì được nấy. Anh đúng là một ông chủ nhỏ của tất cả mọi người. Gia đình bề ngoài nhìn vào ai cũng trầm trồ khen là hạnh phúc. Hồi trẻ, ba anh được ăn học tới nơi tới chốn, khi đi du học nước ngoài về, ông cưới mẹ anh.
Mắt Nguyên chớp chớp, anh ngừng một chút rồi chợt nói:
– Mẹ anh đẹp lắm, Phúc à! Hồi còn bé, anh yêu mẹ và hầu như xem người là tất cả, người có uy quyền bậc nhất, xinh đẹp bậc nhất trong các truyện cổ tích. Anh đã thả trí tưởng tượng của mình theo nhữngcon người chỉ có trong thần thoại. Anh không bao giờ muốn thấy mẹ phải buồn vì mình. Anh đã tôn thờ hình ảnh đẹp đẽ ấy cho đến nămmười bốn tuổi. Cái tuổi mà một thằng con trai dù khù khờ cách mấy cũng bắt đầu có những suy nghĩ riêng, phán đoán riêng. Có lẽ, anh khổ vì mình đã quá nhạy cảm hơn những đứa bạn cùng trang lứa. Anh không biết nữa. Nhưng khi ấy anh cảm thấy hình như mẹ anh có nhiều thay đổi. Ba anh thì không có gì để nói vì ông bao giờ cũng say mê mọi thứ khác hơn là say mê mẹ anh. Suốt ngày đi làm, tối ông lại chạy áp phe như lời ông nói. Ở nhà, bao giờ cũng chỉ có hai mẹ con thui thủi.
Phúc chợt ngắt lời Nguyên. Cô dịu dàng:
– Anh uống café đi
Phúc vớt bớt đá ra khỏi li café rồi đưa cho Nguyên. Anh âu yếm nhìn cô:
– Em có thích nghe anh kể tiếp không?
Cô nghịch ngợm trêu anh:
– Sao lại hỏi em như vậy? Anh có kể em mới hiểu là… anh đẩy xe ba bánh cho nhà em vì lí do khác chớ không phải anh là một sinh viên nghèo rớt mồng tới như chị Thơ, chị Mai và em lầm tưởng bấy lâu nay.
– Trách anh thì anh chịu, nhưng tại ai mà anh phải làm phu xe bất đắc dĩ như vậy kìa?
– Emhổng biết à nhen… Thiếu gì mưu kế? Ai bảo anh chọn “khổ nhục kế” làm chi, bây giờ đổ tội cho em.
– Thế…có thương anh không?
– Câu hỏi đó…để hạ hồi phân giải. Bây giờ em muốn anh “tự sự” hà.
– Hồi nhỏ, đi đâu thì mẹ cũng cho em theo. Tối thì đi cinê, nghe nhạc, ban ngày thì đi mua sắm, thăm bạn bè. Nhưng những dịp gần gũi ấy càng lúc càng thưa, vả lại ở tuổi đó anh cũng không thấy thích thú gì khi được đi chung với mẹ đến chỗ này chỗ nọ để bà cô này bẹo má, bà dì nọ xoa đầu khen ngoan. Anh học không đến nỗi tệ. So với những thằng bạn khác, anh có vẻ chăm ngoan và công tử bột hơn nhiều. Nhưng khổ nỗi, đối với con gái thì lại rụt rè, nhút nhát…
Thấy Phúc cười, Nguyên cũng cười theo. Rồi anh hỏi:
– Sao em cười?
– Em không tưởng ra anh nhút nhát như thế nào… Chớ lần đầu trông thấy anh đứng chống nạnh bên chiếc xe ba bánh em thấy hết hồn.
– Lúc đó anh gờm em thì có…
Phúc liếc anh:
– Sao lại gờm em?
– Nói gờm thì cũng không đúng mà phải nói rằng anh đã bị em mê hoặc từ cái nhìn đầu tiên.
– Ứ! Anh làm như em làm phù thuỷ
Nguyên thành thật:
– Thật đấy! Anh ngạc nhiên thực sự trước cái bướng của em. Lúc ấy anh thấy thích ngay con bé gan cóc tía kia… Đã vậy tự nhiên cô ta lại ngã vào lòng anhh nữa chớ.
Phúc phụng phịu:
– Thật dễ ghét. Kể cho em nghe tiếp đi xem anh nhút nhát như thế nào?
Nguyên nhìn Phúc:
– “Gỗ mun” nè! Giá như mà anh được hút một điếu thúôc nhỉ? Lạt miệng quá anh kể đâu hấp dẫn.
Phúc tròn mắt, giả vờ ngu ngơ:
– Anh đừng lo lạt miệng. Lúc nào trong túi xách của emcũng có sẵn ô mai và kẹo bạc hà. Bây giờ anh có quyền chọn một trong hai thứ.
Nguyên vòi vĩnh:
– Anh chọn cái thứ ba được không?
– Không được. Bữa trước anh đã hứa với em rồi cơ mà.
Rồi Phúc nghi ngờ:
– Vậy chắc thế nào ở nhà anh cũng có hút thuốc…
Nguyên chối:
– Làm gì có. Không tin anh sao? Lúc nãy anh cho em kiểm tra rồi. Anh đâu có hút…
Phúc ngơ ngác:
– Em kiểm tra lúc nào đâu?
Mặt Nguyên tỉnh bơ:
– Lúc anh “mi” em đó. Có nghe mùi thuốc lá không nào?
Phúc đỏ mặt. Cô lườm anh rồi cúi xuống khuấy li sữa, miệng tủm tỉm cười. Chợt cô đứng dậy đến bên quầy mua cho anh một điếu thuốc. Cô âu yếm gắn thuốc lên môi anh. Nguyên lấy nó xúông, bẻ làm đôi. Rồi anh cầm lấy tay Phúc:
– Anh chọn cái thứ lạ là tình yêu của em. Cái đó thật mà anh nắm được trong tay chớ anh không chọn cái phù du dễ tan biến như những làn khói thuốc.
Nghĩ ngợi một chút, Nguyên nói tiếp:
– Em biết không? Cái đáng sợ nhất của con người là sống trong ảo tưởngmà không biết, đến khi biết ra thì mọi cái hoàn toàn đổ vỡ. Mẹ anh trước kia tốt nghiệp quốc gia âm nhạc, rồi bà dạy đàn dương cầm, lần đầu gặp mẹ anh, ba anh đã mê ngay cái dáng mềm mại,dịu dàng và cao sang của bà. Từ khi lấy cha anh, bà gần như bỏ nghề hẳn, thỉnh thoảng bà đàn một mình trong nhà, rồi dạy anh, mà anh thì không thích và cũng không có khiếu. Không hiểu vì động cơ gì mà mẹ anh đòi đi dạy lại rồi đòi đi trình diễn trong các buồi hoà nhạc thính phòng thi thoảng, hoạ hoằn lắm mới tổ chức. Ba anh lúc đầu không bằng lòng. Mẹ anh cho rằng ông đã làm mai một khả năng của bà, ông đã giam cầm bà suốt mười mấy năm là quá đủ, bây giờ bà cần tự do để phô trương tài năng. Ba anh có vẻ giễu cợt cái tài năng mà mẹ anh vốn tự hào. Ông đồng ý cho mẹ anh đi dạy trở lại, từ đó giữa hai người hình như có khoảng cách, cái khoảng cách đó ngày càng rộng, đi đôi với nó là sự im lặng kiểu cách và giả dối…
Nguyên bùôn buồn nhìn Phúc:
– Mẹ anh cũng bớt quan tâm đến anh. Bà thường cho anh tiền, gợi ý anh đi chơi một mình, thoạt đầu anh nghĩ mẹ anh cần sự yên tĩnh để soạn bài, để tập dượt. Anh vui vì mẹ anh có vẻ trẻ trung, yêu đời hơn trước kia.
Phúc nói:
– Thế thì có gì để anh phải nghĩ rằng mình đã sống trong ảo tưởng?
– Anh không nghĩ mà thật sự là như thế. Cuộc sống riêng của ba, mẹ và anh kéo dài như vậy chẳng bao lâu… Mẹ anh bắt đầu trở nên cau có với cả anh, trongkhi ba anh thì bắt đầu bỏ nhà đi đêm, đi suôt đêm này qua đêm nọ. Ông đã có một nguôn vui mới. Còn mẹ anh, bà ngồi suốt trước cây đàn, bà tập liên tục, nhiều khi anh thấy hình như mẹ khóc.
Nguyên thở dài:
– Lắm lúc anh nghĩ, “Phải chi bà có thêm một đứa con gái thì hay biết mấy”. Con trai như anh thật vô ích, anh chẳng biết phải an ủi mẹ như thế nào. Ở tuồi này thằng con trai không thể nào là người để mẹ mình có thể bộc bạch, tâm sự.
Một lần trong bữa cơm chiều. Cha anh vừa chậm rãi nhấm nháp một li rượu nhỏ vừa nói một cách giễu cợt:
– Làm gì có thiên tài xuất hiện ở lứa tuổi ngoài ba mươi. Em nghỉ ngơi, vui chơi còn tốt hơn là cứ tra tấn mọi người bằng những âm thanh do em tạo ra.
Mẹ anh đùng đùng nổi giận. Bà cho rằng vì phải làmvợ của ông nên đã bỏ lỡ những cơ hội mà lẽ ra nhờ nó bà đã trở nên nổi tiếng.
Ba anh điềm tĩnh lắc đầu, ông cười cái cười khinh mạn rồi buông một câu tuy nhẹ nhàng nhưng thách thức:
– Thế thì em cứ bắt đầu tạo lại những cơ hội mà em đã bỏ lỡ. Vẫn còn kịp chán. Chỉ sợ em nhiều ảo tưởng quá đó thôi.
Như đã có một qui ước ngầm. Cả hai người bắt đầu có những tính toán riêng trong cuộc sống chung.Cha anh hầu như vắng mặt suốt. Giờ mẹ anh cũng vậy. Lúc này anh mới chợt hiểu ra rằng mười mấy năm nay hai người sống chung mà không hề yêu nhau. Cuộc tình duyên đó chẳng qua chỉ là sự mua bán. Đầu tiên, ba anh có bị sắc đẹp của mẹ anh quyến rũ nhưng thật ra ông cũng cần thế lực của gia đình vợ để củng cố thêm chỗ đứng vốn đã vững của mình. Còn mẹ anh, cũng muốn có một tấm chồng học vị cao. Rốt cuộc, bản thân anh là sản phẩm của sự trao đổi ấy.
Nguyên cười chua chát.
– Nghe có vẻ giống cải lương quá hở Phúc? Chỉ khác là ở đời thường người ta diễn quá dở vai của mình… Lâu ngày anh cũng dần dần nhập vai của riêng anh.
Phúc chống cằm nhìn Nguyên:
– Anh có bao giờ đóng kịch với em không Nguyên?
Nguyên gượng gạo:
– Có. Anh không chối điều đó. Ở những lần gặp gỡ đầu tiên người ta thường là diễn viên.
– Anh diễn vai phu xe hay thật.
Nguyên chỉ im lặng nhìn Phúc. Cô chợt thấy mình quá lố:
– Đừng giận. Em chỉ đùa thôi ma.
– Anh không giận vì em nói thật. Anh chỉ sợ khi biết quá rõ về con người anh, em sẽ không còn yêu anh nữa.
– Làm gì có chuyện đó. Kể cho em nghe nữa đi.
Nguyên ngần ngừ:
– Người ta sẽ làmgì khi trong tay có nhiều tiền, mà tiền đó là tiền được vung ra như một sự mua chuộc? Gặp ba thì ông cũng một vài câu hỏi han chiếu lệ rồi như nghĩ rằng phải làm như thế mới là quan tâm, ông móc túi ra cho anh tiền.
Phúc hỏi anh:
– Còn mẹ anh thì sao, bà có thành công không?
– Mẹ anh ngày càng có vẻ xa cách kì lạ. Bà bảo rằng càng lớn anh càng giống cha. Phải chi anh mãi là đứa trẻ để để bà nựng nịu, cưng chiều, anh càng lớn, bà càng già. Mà bà lại rất sợ già. Nghe mẹ nói anh cứ nghĩ bà nói đùa. Vì trên đời này có bà mẹ nào mong con mình đừng lớn? Thế mà mẹ anh lại mong như vậy. Anh đâm ra chán nản, nghi ngờ và xem lại những gì anh đang có. Điều bất hạnh là anh đã biết cầm tiền quá sớm, biết dùng nó để mua mọi thứ quá sớm
Ba mẹ anh ngày càng xa cách. Giữa hai người gần như không một lần to tiếng cãi vã vì mỗi người có một thú vui riêng. Chỉ gặp nhau ở bữa cơm. Cứ thế thời gian xoay vòng. Cuối cùng mẹ anh đề nghị li dị. Ba anh bằng lòng,thế là xong.
Phúc ngạc nhiên và như không tin, cô hỏi lại:
– Không gây gổ, cãi vã mà đi đến li dị à?
– Đó là giải pháp tốt đẹp nhất. Hai người coi nhau như bạn và có vẻ cởi mở khi gặp nhau hơn cả lúc còn là vợ chồng. Chỉ có anh là hụt hẫng, dù anh biết sớm muộn gì mẹ vàba anh cũng chia tay. Anh về sống với mẹ anh vì theo anh lúc đó, thì ba anh là người duy nhất có lỗi trong cuộc chia tay này. Anh bắt đầu xuống dốc thật sự và bắt đầu hư hỏng từ đó.
– Anh cứ nói thế. Em có thấy anh hư hỏng gì đâu? Sao lúc nào anh cũng nói rất tệ về mình thế?
– Em cứ nghĩ tốt về anh rồi ngày nào em sẽ thất vọng.
– Khi đã chấp nhận yêu. Người ta phải rộng lượng chớ anh.
Nguyên cười:
– Em nói theo sách vở hay theo trái tim em vậy? Em trong sáng quá khi nghĩ như thế. Bên em, lúc nào anh cũng thấy thanh thản và yêu đời.
– Yêu đời chớ không yêu em hả?
– Em chính là cuộc đời rồi.
Phúc bắt bẻ:
– Người ta có thể làm lại cuộc đời nhiều lần.
Nguyên cứng cỏi:
– Anh chỉ có một cuộc đời duy nhất và mãi mãi một là có nó, hai là mất.
Phúc liếc Nguyên:
– Em chịu thua anh đó.
– Thế thì ngồi ngoan nghe anh kể tiếp.
Phúc phụng phịu ngồi chống cằm nhìn Nguyên. Anh buồn cười trước vẻ trẻ con của cô nhưng anh vẫn nói:
– Anh bắt đầu đi chơi đêm. Khiêu vũ là món anh thích nhất. Hầu như đêmnào anh cũng đi nhảy. Cái tính nhút nhát của anh đã mất cùng với cái hồn nhiên trẻ thơ nơi anh, và con gái có gì đâu là lạ…Anh xin lỗi! Nhưng thật sự là vậy. Dù lúc này anh vẫn còn trong sáng lắm Phúc à, anh chưa biết thế nào là đàn bà đâu…
Thấy Phúc đỏ mặt, Nguyên im lặng. Anh thở dài nói tiếp:
– Anh còn nhớ rất rõ hôm ấy là sáng chúa nhật. Anh nói với mẹ là đi Vũng Tàu chơi sáng thứ hai về. Mẹ anh vui vẻ đồng ý. Bà cho anh một số tiền tương đối nhiều. Anh đi mà trong lòng chán nản kì lạ. Ra tới biển, anh mới thực hiện được nửa chương trình của một ngày như bọn anh thường nói, thì anh đòi vềmặc lũ bạn níu kéo và mặc chương trình ban đêm chắc chắn có nhiều màn hấp dẫn.
Phúc chớp chớp mắt, cô như muốn hỏi điều gì đó nhưng cố dằn lại. Nguyên chậm rãi:
– Anh phóng xe hết cỡ, về đến nhà chắc cũng tám, chín giờ rồi. Anh lên lầu, ngang phòng mẹ anh… Có tiếng đàn ông trong đó Phúc ạ!
Phúc nhìn anh.Tim cô thắt lại. Đôi mắt anh sao khổ sở đến não lòng. Cô lặng im chia sẻ nỗi đau mà hẳn đến giờ này vẫn còn quá nặng nề đối với Nguyên.
– Anh ngạc nhiên đến mức độ mất bình tĩnh. Anh đạp tung cửa phòng, sẵn cái xách tay anh ném mạnh về giường. Nhân tình của mẹ anh không ai xa lạ chính là thằng nhóc học trò mà bà thường tới nhà riêng nó để dạy đàn, lớn hơn anh đâu chừng vài tuổi.
Anh như điên nhào đến nện hắn tới tấp. Hắn cũng chẳng nhịn, thế là mặc mẹ anh kêu khóc van xin hai người cứ lao vào nhau sống chết. Cuối cùng, hắn ta vớ được chai dầu thơm mẹ anh để trên bàn ngủ. Hắn đập mạnh vào đầu anh.
Mặt Phúc bất chợt nhăn lại. Cô đau như chính mình vừa bị đánh. Nguyên vẫn kể, giọng đều đều:
– Máu ở đâu mà nhiều đến thế, lần đầu tiên trong đời anh nhìn thấy máu, mà lại là máu của chính mình. Anh choáng váng, rã rời và đau đớn dù vết thương chẳng sâu lắm đâu. Mẹ anh chạy đến ôm anh, bà khóc rất dữ, máu của anh dính cả vào mặt bà… Cho đến bây giờ anh vẫn còn như thấy đôi mắt của mẹ anh lúc đó, và cho đến bây giờ anh vẫn không sao tha thứ cho mẹ anh được. Anh không sao tha thứ được Phúc ạ.
Nguyên đưa tay bóp vụn điếu thuốc đã gãy đôi nẳm trên bàn:
– Tối ấy anh không ở nhà. Sẵn tình anh vào quán uống rượu, thứ rượu ở các quán nghèo cay và nặng lắm Phúc phải biết. Anh nghĩ ngợi rồi khổ sở, mẹ anh là như thế, sống trong ảo tưởng và sống cho riêng mình, anh bắt đầu lục lại trí nhớ của mình, hình ảnh của bà hiện ra nhưng tất cả đều mang màu sắc và ý nghĩa khác… Rời quán rượu anh lang thang ngoài công viên. Anh như con thú nhỏ bị thương không nơi nương náu. Một người con gái đến bên anh trên ghế đá… Chẳng cần phải mời mọc, anh đi theo cô ta vào con hẻm sâu hun hút và tối tăm…
Phúc nghe như có vật gì nghèn nghẹn ngang cổ. Cô nuốt nghẹn xuống gượng gạo nói:
– Rồi sau đó…
Nguyên né tránh đôi mắt nâu ấm áp của Phúc, anh tránh cả câu hỏi lo âu vừa thoát khỏi đôi môi xinh xắn của cô.
– Anh hư lắm Phúc à! Tuổi thơ của anh điq au như thế đó, có thể anh sướng hơn nhiều về vật chất, nhưng tâm hồn đứa con trai có cha mẹ chỉ lo sống cho bản thân, cho sở thích của riêng họ thì quá là thê thảm.
Sau đó anh về ở với ba anh. Hai người đàn ông trong một ngôi nhà trống, hai người đàn ông chưa hề có một lần thông cảm nhau dù đó là hai cha con. Ba anh không phải là mẫu người khô khan, khó tính, ngược lại ông rất cởi mở với mọi người, đối với phụ nữ thì ông nổi tiếng ga lăng. Phúc biết ba anh mà?
Phúc ngỡ ngàng, cô như đang nhớ xem trong những người đàn ông mà cô đã biết, ai là ba Nguyên.
– Em biết à? Ai nhỉ?
Nguyên cười bí ẩn:
– Em đoán xem. Người ta bảo anh giống cha ở cái miệng cười khinh mạn.
Ngẫm nghĩ một hồi, Phúc đành chịu thua:
– Ai vậy anh? Em không tài nào đoán ra.
– Anh cho em tiếp tục lục soát trí nhớ và trí tưởng tượng của mình. Bao giờ tuyên bố thua thì sẽ bị phạt.
– Rồi sao anh lại về với ông bà nội?
– Khi anh nói sẽ vể ở chung. Ba anh chỉ cười, ông không hỏi và anh cũng không nói tại sao. Cái cười của ba anh là cái cười của người như lâu nay chịu đựng một nỗi oan ức nay đã có người cảm thông. Ông nói với anh: “nhà này là nhà của con. Mẹ con là người có nhiều tham vọng và sống bằng ảo tưởng, ngay cả trong tình yêu cũng thế, bà thích chinh phục và thích sự hào nhoáng. Rồi mẹ con sẽ khổ”. Lúc đó anh im lặng… Đâu phải mình mẹ anh khổ, anh và ba anh có ai sung sướng đâu?
Ba anh có rất nhiều nhân tình. Ông bảo không lấy vợ nữa, sống như ông hiện sống thích hơn nhiều, khỏi ràng buộc hay trách nhiệm với một người nào cả. Ông lo cho anh tương đối đầy đủ về vật chất. Sau khi tốt nghịêp phổ thông, anh chẳng chịu học tiếp cứ ở nhà lao vào các cuộc chơi thoả thích. Ngôi nhà của ba rất rộng và đầy đủ tiện nghi. Ông thường về khuya và ít khi nào về một mình. Anh cũng có những thú tiêu khiển riêng của mình.
Nguyên ngừng lại nhìn Phúc, anh hơi ngập ngừng một chút rồi nói tiếp:
– Anh thường uống rượu lạ…
Nguyên nhìn Phúc, khó khăn lắm anh mới nói tiếp:
– Anh không biết phải nói sao cho em hiểu, vì em còn thơ ngây quá. Em khó thông cảm và khó có thể tưởng tượng ra anh như thế nào vì em là con gái nữa…
Phúc cố bình thản dù trong lòng cô đang xung đột dữ dội vì những lời Nguyên kể. Cô nhìn anh buồn buồn:
– Em đang nghe để hiểu anh hơn mà…
– Em buồn vì em nghĩ khi đến với em, anh đã là một người quá tệ?
Phúc lắc đầu khổ sở:
– Đừng nói anh… Hãy kể tiếp đi, dù có thể chuyện của anh làm em khóc vì… vì…
– Vì thương thân?
Phúc im lặng. Nguyên thở hắt ra:
– Anh nghĩ em sẽ ngồi nghe hết để có một phán đoán về anh. Em sẽ không khóc đâu phải không, “Gỗ mun”?
– Ngày tháng cứ thế trôi qua. Anh càng lao vào những ham hố tầmthường anh càng thấy bế tắc, anh luôn mangmột mặc cảmkì lạ với bản thân, với mọi người. Anh thấy mình lạc lõng giữa đám đông vì cái mặc cảm của mình. Mỗi lần nhận tiền từ tay ba anh, anh luôn nghĩ như được bố thí từ tay một người dư giả. Anh không bao giờ thoải mái như lúc sống vớimẹ anh. Cũng có thể người đàn ông chỉ cảm thấy mình mãi mãi là đứa con nít trước người mẹ. Còn đối với người cha, họ lại tự cho rằng họ cũng là một người đàn ông. Mà người đàn ông này phải nhận của bố thí từ tay người đàn ôngkhác thì thật là khó coi, dù người ấy là cha của mình.
Phúc bất bình:
– Sao anh lại tự ái lạ thế? Cha mẹ phải có bổn phận và trách nhiệm.
Nguyên mỉa mai:
– Trách nhiệm đối với bản thân mình cha mẹ anh còn quên lãng thì nói chi đến anh?
Phúc nhăn mặt:
– Nguyên! Anh lại quá khích! Em không thích nghe anh nói về ba mẹ mình như vậy đâu.
Nguyên cố chấp:
– Mà sự thật là như vậy. “Gỗ mun” à! Em hạnh phúc được lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ em thật tuyệt vời. Anh đến phụ Khải một phần cũng vì anh thích cái không khí gia đình ấm cúng đó. Emđâu hiểu được nỗi giày vò khổ sở khi hình ảnh đẹp đẽ của mẹ mình bỗng chốc tan vỡ ra sao? Đó là sự mất mát mà suốt đời không gì bù đắp được.
Phúc nhỏ nhẹ:
– Ai cũng có những lần vấp ngã. Mình là con đâu có quyền phán đoán cha mẹ.
Nguyên lắc đầu:
– Em khuyên những lời của người đang hạnh phúc tự cho mình là suy nghĩ đúng trước cái bất hạnh mà em chưa bao giờ biết tới.
Phúc cảm thấy tự ái, cô nghĩ: “Có lẽ mình chưa hiểu chút gì về Nguyên như anh thường nói. Nguyên có bao giờ nguỵ biện không?” Cô buồn bã nhìn những trái sơri đo đỏ trên cành đong đưa…
-Em còn thích nghe anh nói tiếp không Phúc?
Cô bừng tỉnh:
– Có chứ! Anh kể đi.
– Phúc này! Em phải hiểu rằng anh bao giờ cũng dành cho cha mẹ mình một tình cảm, nhưng chắc chắn tình yêu đó không thể nào trọn vẹn như em. Anh nói về gia đình mình để em hiểu và để em tự suy nghĩ.
Mắt Nguyên buồn buồn:
– Biết đâu rồi em sẽ thấy không còn hợp với anh nữa.
Phúc im lặng buồn bã nghe Nguyên nói:
– Một lần nọ, cha anh nói một câu ngắn khi ông đưa cho anh một xấp tiền khá dầy. “Muốn sung sướng và muốn ngẩng cao đầu với mọi người không phải chỉ có tiền là đủ. Dòng họ này không có những thằng đàn ông thất học”. Lúc đầu anh rất bực bội, nhưng nghĩ lại anh thấy ông nói đúng. Ông ăn chơi, bê tha và đa tình nhưng ông là người học giỏi, có tài, mọi người ít ai dám coi thường ông. Ngay bản thân anh, anh cũng có chút e dè khi đứng trước ông. Phải đó là mặc cảm tự ti không nhỉ? Hay đó là đặc điểm cố hữu của hai cha con anh. Tự cao. Không muốn thua ai.
Bắt đầu từ đó anh lặng lẽ tìm đến các trung tâm luyện thi đại học, mua sách về học lại. Anh bỏ học cũng gần hai năm, anh nhất định phải đậu vào một trường đại học nào đó. Chuyện đó cũng chẳng khó khi anh đã quyết. Cha anh lúc này cũng tỏ vẻ rất mừng. Ông bỗng nhiên trở nên gần gũi với anh hơn. Việc anh thi đậu đại học Bách Khoa là ngùôn vui lớn đối với ông.
Cơ sở tin học của ba anh ngày một phát triển. Ông có nhiều phụ tá và nhân viên:
Nguyên chợt cười:
– Em học tin học ngay trung tâm tin họccủa ba anh đấy.
Phúc trợn tròn mắt:
– Ủa! Sao em không biết ba anh?
– Nhất định là em phải biết…
– Không! Em chỉ biết cô thơ kí giám đốc. Còn giám đốc quả thật chưa biết…
Nguyên bỗng bối rối, anh tiếp tục:
– Ở vói ba anh một thời gian, anh bắt đầu thấy không được, quanh ông có nhiều phụ nữ quá, và những người này bận rộn làm anh bực bội, anh thấy tốt nhất là về ở với ông bà nội. Hai người già sống có một mình.
Phúc thắc mắc rất trẻ con:
– Bộ… các bà gì ghẻ ức hiếp anh hả?
Nguyên lắc đầu ngượng ngùng:
– Không phải. Có điều, anh thấy mình không tự nhiên khi có mặt các bà ầy.
Trực giác của phái nữ cho Phúc một nhận xét. Hình như ở phần này có điều gì đó Nguyên chưa nói rõ hết với cô, nhưng cô không hỏi tới nữa. Cô nhìn Nguyên lòng nặng một mối lo âu. Người yêu cô không đơn giản như cô tưởng. Anh ấy có cá tính riêng và đời sống tinh thần khá phức tạp, ngoài ra Nguyên cũng qua một thời bê tha mà Phúc chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ quen, sẽ kết bạn với người như thế chớ đừng nói chi là cô sẽ yêu…
Phúc nhìn Nguyên:
– Hình như có thời gian anh ở kí túc xá mà?
– Thỉnh thoảng anh vào chơi với tụi bạn chớ anh không ở trong ấy.
Phúc rụt rè:
– Còn mẹ anh, bác sống ra sao hở Nguyên?
– Mẹ anh bây giờ là một phụ nữ tự do, nói theo một kiểu nào đó. Bà vẫn đi dạy nhạc, đệm nhạc cho các hãng phim… Bà cũng quen rất nhiều người, bà vẫn còn đẹp, có điều không trẻ nữa. Bà vãn gởi tiền, quà, sách báo, băng nhạc… đủ thứ cho anh, và bà cũng còn đang sống trong ảo tưởng.
– Anh không đến thăm mẹ…
– Không!
– Sao anh giận mẹ dai vậy?
Nguyên nhìn Phúc, không trả lời, không gian im ắng lạ lùng. Phúc nghe tiếng nhạc buồn buồn vang ra từ chiếc loa thùng đặt ở góc cột đối diện bàn cô và Nguyên ngồi. Không lẽ anh bây giờ đã là một người khác? Phúc nhẹ nhàng lắc đầu. Nguyên đâu có gì thay đổi, chỉ có cái nhìn, cái nghĩ của cô về anh thay đổi thôi.
– Em đã thất vọng về con người thật của anh?
Phúc chẳng biết trả lời sao. Cô sợ rồi mình sẽ khổ vì anh, một con người không dễ gì cô khuất phục được, một con người luôn có vẻ ngạo mạn và hình như có cả chút gì cố chấp.
– Phúc, sao không nhìn anh?
– Em lo. Em…
Phúc nói xong, bỗng nhiên nước mắt cô ứa ra. Nguyên chồm người qua bên nắm bàn tay cô siết chặt, mắt anh đăm đăm nhìn cô tha thiết.
– Anh biết. Dù sao em cũng còn là cô bé con với nhiều mộng tưởng. Nhưng Phúc à! Em hãy tin anh, anh đã từ bỏ cái quá khứ đen tối đó để sống xứng đáng với tình yêu của em.
Phúc bứt rứt, khổ sở:
– Nguyên! Tại sao anh có thể… vơớ nhiều người mà anh bảo là anh không yêu? Em không hiểu nổi và không chịu được. Anh đã từng yêu người khác mà, phải không?
– Hãy nghe anh, “Gỗ mun”. Đừng trẻ con như vậy. Anh yêu em. Có thể em sẽ xa lánh anh. Đó là cái giá phải trả cho lối sống phóng túng, sa ngã trước kia của anh. Nhưng anh phải nói cho em biết về anh, sau đó em nghĩ sao anh cũng chịu.
Nguyên nhìn đồng hồ:
– Năm giờ rồi Phúc. Chiều nay em nghỉ đi, để anh đẩy xe phụ Khải một bữa.
Phúc ngó ra khoảng sân trống:
– Anh có điều gì chưa nói hết với em phải không?
Nguyên ngần ngừ:
– Từ từ rồi em sẽ hiểu anh hơn, nếu em thật sự yêu anh… Còn điều anh chưa nói với em mà, anh sẽ nói ngay là “nếu em thấy lòng em không vui, không hạnh phúc vì lỡ nói yêu anh thì anh sẽ là người rút lui trước”.
Hai người bỗng im lặng. Phúc nhìn chú chim sâu nhỏ xíu trên nhành lá. Nó nhảy nhót một mình thảnh thơi sung sướng không như cô đã tự trói mình vào vòng luẩn quẩn yêu thương.
Phúc quay lại bắt gặp ánh mắt Nguyên đăm đăm. Cô buồn bã đứng dậy:
– Chiều rồi! Mình phải chia tay thôi anh

VN88

Viết một bình luận