Phần cuối
Sau đó thì mọi chuyện xảy ra quá nhanh. Mười hai bức tranh đã về tay chín chủ nhân đáng giá chỉ trong vòng hai tháng (một người mua hai bức, một người mua ba, bảy người mua một). Ba tôi hết sức hài lòng: giá cả cao phát sốt. Thật sự thì trước khi tranh tìm được chủ, mọi chuyện đã kịp ầm ĩ. Người ta phát cuồng lên vì những ấn tượng mới mẻ. Báo chí bình luận rôm rả, truyền hình sôi nổi đưa tin. Các nhà phê bình hội họa cả chuyên lẫn không chuyên ồn ào nhập cuộc. Giới mỹ thuật người hưởng ứng kẻ phản đối, cái chính là hầu như không ai có thể lơ đãng. Dù muốn dù không, tôi trở thành đầu mối cung cấp thông tin về Phi Anh. Người ta cần biết cô, cần khoe cô ra cho nhiều người khác biết. Tôi nghĩ mình đã thực hiện được những gì từng hứa: giúp cô trong bước khởi đầu. Và cũng chỉ khởi đầu thôi. Rất nhanh, tất cả vượt khỏi tầm kiểm soát. Tràn ngập những nguồn thông tin chính thức và hành lang, xung quanh nhân vật mới nổi. Ở thành phố của tôi, người ta hay dễ điên lên vì mốt – kể cả mốt thích túm năm tụm ba sôi nổi bàn tán: về một thứ gì, hay một ai đó, một đám mây đang lên, một ngôi sao đang rạng, một mặt trời sắp xuống…
Chưa hết. Sau khi mua được tranh, những đại gia viên mãn họp lại hả hê. Họ bàn nhau tổ chức một cuộc triển lãm sang trọng tại một gallery thượng thặng. Họ bỏ tiền tài trợ mời tác giả (tức Phi Anh) về dự. Đợt bày tranh thành công ngoài sức tưởng tượng: từ chỗ tung hô tranh, người ta tâng bốc luôn những kẻ mua tranh có con mắt vàng, nhìn ra vẻ đẹp từ bóng đêm tăm tối. Chỉ tội cho những dân chơi sành điệu chưa kịp bổ sung cho bộ sưu tập của mình những bức thêu thời thượng. Họ xôn xao ấm ức, đổ xô đi tìm ba tôi.
Từ giây phút Phi Anh xuất hiện tại gallery trong dáng vẻ xinh đẹp, phong thái lạnh lùng, đầu ngẩng cao, cái nhìn kiêu hãnh; từ khi cô trả lời phỏng vấn trên hàng loạt báo, đài bằng ứng xử lịch duyệt, lời lẽ khôn ngoan, công chúng lại càng bị cô cuốn đi. Một giai nhân mãnh liệt sáng tạo ra những tác phẩm mãnh liệt. Nói như một cây bút lão làng chuyên lăng-xê người mới: “Nàng có đủ mọi phẩm chất để trở thành một ngôi sao sáng chói – và nếu vẫn tiếp tục sáng tác tốt, nàng sẽ giữ rất lâu vị trí ngôi sao trên bầu trời thành phố, thậm chí trong cả nước”. Thực dụng, ba yêu cầu tôi phải đi gặp Phi Anh ngay, với hy vọng cô vẫn giữ lời hứa cho chúng tôi độc quyền khai thác tác phẩm. Tôi nghi ngờ điều này. Nàng Lọ Lem bây giờ đã trở thành công chúa, là đối tượng săn đuổi của những đại gia hùng mạnh hơn chúng tôi bao nhiêu lần.
Tuy nhiên để chiều ý ba, tôi vẫn thử thời vận thêm một lần.
Trước tiên, tôi gọi về số điện thoại ở Đ., được nghe một giọng yếu ớt trả lời rằng chị Phi Anh có về, nhưng rồi lại đi, lại về, lại đi. Và hiện nay thì vẫn chưa về. Tôi đoan chắc đó là Phi Yến, cô em gái ẻo lả bệnh tật mà Phi Anh đã từng tuyên bố trên đời này cô yêu quí nhất.
Tôi ngọt ngào dò hỏi: Em thân mến, em có biết phải làm sao để liên lạc được với chị em không? Có cách nào để nhắn gửi không?
Cô gái yếu đuối trả lời rằng: Không. Những tiếng thở hụt hơi đứt quãng, những lời thầm thì khó đoán biết. Xen ngang là hai ba tiếng nấc nhỏ, nghẹn ngào. Không rõ lý do gì khiến tôi làm cô hoảng hốt…
Tôi cố mềm giọng hơn: Anh là người đã từng đến nhà, từng thoáng gặp em, từng mua tranh với chị em. Rất mong là em vẫn nhớ.
Phi Yến bớt run rẩy hơn: Dạ. Có. Em nhớ…
Tôi bỗng chốc bông lơn, muốn chọc đùa, hỏi: Em nhớ anh ra sao?
Cô nghẹn lời, đáp: Tha lỗi cho em, nhưng em không tả được, em không có khả năng, em không đủ sức diễn đạt bằng lời…
Tôi thở dài: Tiếc quá, vậy mà anh thì đã… nhớ em dễ sợ. Nhớ tới độ bị ám ảnh (?!)… Nhưng em à, thiệt tình anh rất mong gặp được chị em. Nếu em biết cách, làm ơn hãy giúp anh. Được không, em thân yêu?
Cô thì thào, nói: Vâng, đúng năm giờ chiều nay xin anh gọi lại.
Tôi đồng ý, chào cô, cám ơn cẩn thận và dịu dàng. Năm giờ chiều không sai một phút, chính là Phi Anh chủ động hẹn tôi.
Chúng tôi gặp nhau ở quán cà-phê giữa khu trung tâm. Mới đó mà Phi Anh đã quá khác xưa. Cô càng đẹp lộng lẫy, càng thản nhiên, càng lạnh lùng hơn. Gương mặt dửng dưng, giống như mặt nạ. “Cám ơn anh về tất cả”, cô lơ đãng. Bất chợt xoay sang nhìn tôi, “Không có anh thì em làm sao có được như ngày hôm nay…”. Tôi chẳng thấy hân hoan, có lẽ do hơi hướng xã giao lạnh lẽo tỏa theo mỗi lời cô nói. Tôi chợt nghĩ, Phi Anh có vui sướng thật không? Nếu không, cô chẳng việc gì phải hội nhập vào một cuộc sống vàng son, hào nhoáng mà cô không cần. Tôi chán nản:
– Em có thừa thông minh để biết anh cần gặp em vì lý do gì.
– Phải. Em biết. Anh cần mua tranh.
– Và em không cần phải giữ lời hứa.
– Em sẽ giữ lời hứa với anh.
Tôi nhún vai, tỏ ý không tin. Cô bật cười:
– Thì cứ coi như em muốn trả ơn anh.
– Sòng phẳng quá…
– Không, em cần anh thật mà. Chẳng phải chính em đã chủ động hẹn anh sao? Em sẽ bán cho anh năm bức tranh mới hoàn thành.
Tôi nhẹ nhõm thở phào. Tôi đã ngờ oan cô dựa theo những đổi thay bên ngoài. Thật võ đoán, sai lầm. Phi Anh trở lại lạnh lùng:
– Lần này là tranh theo trường phái ấn tượng…
– Em bây giờ thêu gì mà chẳng bán được. Thiên hạ cuống lên vì tranh em. Năm bức sẽ không bõ bèn gì đâu…
– Em biết, nhưng sức người có hạn. Anh quá hiểu mà, sáng tác đâu phải như sao chép.
– Vâng, anh hiểu. Chưa nói chất liệu sử dụng lại là tóc…
Năm tác phẩm phi thường. Và dễ sợ. Những ám ảnh nào đã vướng vít trong tâm hồn Phi Anh, để đến khi tượng hình tượng dạng thì méo mó, kinh hoàng, ngả nghiêng, gãy đổ, vỡ toác, điên cuồng đến đỉnh điểm… Không là cái gì nguyên vẹn: những vết nứt địa chấn, những dòng nham thạch tuôn đổ, những cơn đại hồng thủy, những gương mặt người dị dạng, những cơn giao ái hân hoan, những mắt, miệng, mũi, môi sứt sẹo, lung lay, những tay, chân, đầu, mình quằn quại, rên siết… Cảm giác như người tạo tác đã cố rướn lên, dù chỉ một lần rồi thôi, để tinh anh phát tiết tới tận cùng, và ngày mai sẽ chết…
Tôi đã trả một số tiền rất lớn cho cô, nhưng ba tôi vẫn sướng run lên khi lô hàng về tới. Công bằng mà nói, dù không hiểu gì về ý đồ, bố cục, sắc màu, nghệ thuật, người ta vẫn phải thốt lên rằng tranh quá đẹp. Quá hoàn hảo về mặt gây cảm xúc. Ý thức rằng đây là cơ hội vàng, ba tôi không vội bán ra. Và ông đã tính không sai. Những kẻ đam mê đẩy giá tranh dâng lên từng nửa tháng, từng tuần, từng hai ba ngày, rồi thậm chí từng ngày. Như trong một cuộc đấu giá khốc liệt. Ba tôi tỉnh táo khôn lường, ông thuần thục cách đeo bám mồi của con sói già.
Còn tôi, học lối cừu non, mỏi mê vô vọng dõi theo Phi Anh.
Tôi biết chắc giờ đây cô đã trôi xa khỏi tầm tay. Vài lần gọi vào số di động mà cô cho, không có trả lời, tôi tự bảo mình “Hãy thôi đi. Làm ơn thôi đi”. Cô vốn dĩ lạnh như băng, lại đang là ngôi sao. Mới nhất, tôi nghe cô được mời sang Paris, dự một triển lãm tranh. Rồi cô đi Ý, đi Úc. Khi cô trở về, cũng là lúc ba tôi bán ra bức tranh cuối cùng mà ông cố ghìm với giá tiền cao nhức nhối. Riêng tôi, sa lầy trong tình cảm đơn phương. Tôi biết là tôi yêu. Nhưng tôi tự cười: không hiểu sao những lúc gặp nhau, giữa chúng tôi chỉ toàn những chuyện làm ăn, cân đong đo đếm, sòng phẳng bán mua. Âu cũng là số phận. Cho tới một ngày, trên một mặt báo tôi thấy đăng tấm ảnh Phi Anh và một người đàn ông cười rạng rỡ bên nhau. Người ta đưa tin cô lấy chồng. Hai hôm sau, điện thoại của tôi rung lên, chính là cô gọi. Để mời dự đám cưới.
Thật tức cười khi chính trong ngày cưới của cô, chúng tôi lại thỏa thuận xong với nhau một vụ làm ăn mới. Phi Anh cam kết sẽ bán cho tôi bộ tranh trừu tượng mười lăm bức. Tôi ngạc nhiên khi cô dặn tôi giấu chồng. Càng ngạc nhiên hơn khi được xem tranh. Cô thay đổi luôn luôn, mỗi lần tung tranh ra là một lần tự làm lạ, làm mới mình, lần sau mãnh liệt hơn lần trước. Tưởng như cô đã lên đến đỉnh, nhưng không, Phi Anh vẫn còn có thể lên cao. Cao mãi. Bộ tranh lần này khó thể được tiếp nhận ngay trong lần chiêm ngưỡng đầu tiên. Nhưng ra về thì người ta bị ám ảnh, muốn trở lui quay lại xem. Kể từ lần thứ hai, tranh hút hồn người ta vào một thế giới siêu thực, vỡ òa, thẳm sâu. Người ta như muốn phát điên vì cảm xúc… Tôi không còn lời nào để nói, đời với cô viên mãn quá: vừa thành danh, lại vừa hạnh phúc. Tôi biết Phi Anh lấy chồng vì tình yêu, không phải vì so đo, khác với trước nay cô vẫn thường hay toan tính. Chồng cô không giàu, không danh vọng, không thế lực, nhưng chắc chắn có những phẩm chất tuyệt vời tương hợp với cô. Tôi mừng vì cô hạnh phúc, và tôi thấy tội nghiệp mình.
Trong khi ba tôi thì hãnh diện chất ngất với công trạng mà tôi đã lập, ngợi khen tôi không tiếc lời. Nhờ bán tranh Phi Anh, ông phất lên như diều. Đem tiền đó đi đầu cơ vô bất động sản, ông lại càng thắng lớn. Ông vững bước trở thành một đại gia. Hệ thống năm cửa hàng thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm của ông vươn như vòi bạch tuộc, tóm chặt địa bàn kinh doanh khai thác khách du lịch. Nếu biết tôi làm hỏng cơ may cưới cho ông cô con dâu dệt tóc ra vàng, chưa biết ông sẽ còn tiếc rẻ đến đâu. Thật vô lý cái vòng luẩn quẩn này: ba tôi cần tranh Phi Anh để tiếp tục hái ra tiền – tôi cần chứng tỏ với ba rằng tôi được việc – cô cần bán tranh cho tôi vừa có lợi vừa có danh, vừa để tự trấn an đã giữ lời hứa – và tôi cần gặp cô vì tôi yêu cô. Tôi yêu cô, yêu tâm hồn tinh tế đã thúc đẩy cô vẽ nên những bức tranh phi thường, yêu nhan sắc tuyệt trần, yêu cái vỏ lạnh lẽo bí ẩn khôn cùng; nhưng tôi đã luôn bàng hoàng ghê sợ trước vẻ ngoài tỉnh táo, mưu toan và đầy thực dụng– một Phi Anh quá khác.
o0o
Tôi quay lại Đ. trong một buổi sáng ảm đạm mưa giăng. Đêm qua, Phi Anh nức nở gọi cho tôi, báo tin em gái cô vừa mất.
Đám tang lặng lẽ thưa người. Không gian ủ ê. Vắng bóng ông anh rể mới. Chỉ có một lý do, bởi vì Phi Anh muốn vậy. Mắt cô thâm quầng, sũng nước. Nghẹn lời, cô kể cho tôi hay đã không kịp đưa Phi Yến đi mổ tim, dù bạc tiền dư dả đã từ rất lâu. Cô có quá nhiều cơ hội, nhưng lại quá thiếu thời gian. Cô có quá nhiều việc để làm, nhưng không làm được việc cô muốn nhất. Bệnh tật của cô em gái đã trở thành đòi hỏi thứ yếu, cứ thế lùi lại dần, nhường chỗ cho bao nhiêu các loại ưu tiên khác. Cô phản bội và thất hứa. Cô mải mê đuổi theo hạnh phúc bản thân, mải mê leo cao lên đài danh vọng. Cô càng muốn thì càng có nhiều, càng có thì càng muốn nhiều. Để giờ đây cô đánh mất vĩnh viễn tạo vật trên đời mà chính cô luôn tuyên ngôn rằng yêu quí nhất.
Buổi tang lễ có một điều kỳ quặc làm tôi phải chú ý: người ta đã chôn xuống ngôi mộ cùng lúc hai chiếc quan tài. Một chiếc cho người chết (thì đã đành), còn chiếc kia là của một con rô-bốt. Rô-bốt có kích cỡ như người, nói thẳng ra là bản phỏng theo khá chính xác nhân dáng Phi Anh. Cô giải thích vắn tắt với tôi: cô đã dành phần lớn số tiền kiếm được để đầu tư cho việc nghiên cứu, chế tạo, tu bổ, hoàn thiện người máy này. Nó có khả năng thực hiện các thao tác đơn giản, nói được vài câu ngắn gọn, thậm chí có thể giao tiếp theo một số chương trình cài đặt sẵn. Tuy giống, nhưng vì chỉ là máy nên nó hơi thô, hiện vẫn chưa hoàn chỉnh. Dù vậy, không thể phủ nhận đó chính là một tác phẩm siêu hạng của một kỹ sư tài hoa thích sống ẩn danh (tôi buột thốt: mảnh đất lãng mạn trên đồi trong rừng thông này sao lắm ý tưởng kỳ lạ, tạo nên bao nhiêu thứ thành quả ghê gớm khác người!).
“Vì sao em chôn bỏ nó?”. “Phi Yến không còn, con rô-bốt đâu còn cần cho ai”. “Phi Yến cần có con rô-bốt đó?”, tôi cố tình vặn hỏi tới nơi tới chốn. Phi Anh buồn bã, “Em còn cuộc đời riêng của mình, em không thể suốt ngày cận kề bên em gái”. Tôi gật – hoàn toàn lô-gích. Phi Anh không thể chôn vùi đời mình ở nơi khỉ ho cò gáy này. Cô có quyền được vi vu thong thả đó đây, có quyền được sống theo ý mình. Người máy chính là giải pháp. Nhắm mắt, tôi cố hình dung, một ma-nơ-canh giả danh cô chị đi ra đi vào trong ngôi nhà thiếu vắng tình thương, thiếu vắng hơi người, và cô em nhạt mờ – giống y như một ma-nơ-canh khác.
Tôi nhớ cuộc nói chuyện rời rạc qua điện thoại. Ngoài kỷ niệm ngắn ngủi ơ thờ và bông lơn đó ra, tôi hầu như không có dấu ấn gì đặc biệt về chân dung cô gái trẻ lặng lẽ. Dù sao cũng thấy xót xa khi chứng kiến Phi Anh tự dằn vặt mình. Sám hối – giờ đây cũng chẳng để làm gì. Ân hận, nuối tiếc – tất thảy đều vô ích. Dù biết vậy, nhưng người ta vẫn đau, đau như có thể chết…
Tôi đã ở bên Phi Anh cho tới lúc quanh cô chẳng còn ai. Tôi nhận ra, sự yếu đuối đã kéo con người ta lại gần với bản chất thật của mình nhất. Khổ đau, Phi Anh đã quên hết tất cả những điều luôn tâm niệm phải giữ gìn, che đậy, bưng bít. Còn tôi, đâm bối rối vì được là người mạnh mẽ, được ra tay bảo bọc cho cô. Trở về từ nghĩa trang, có lúc cô hầu như phải tựa người vào tôi để bước đi. Nước mắt cô nóng bỏng, thấm ướt vai tôi qua hai lần áo. Trong căn biệt thự nhỏ (không sửa sang được gì nhiều so với lần đầu tôi đến, có phần còn tàn tạ hơn), chúng tôi ngồi đối diện nhau. Phòng khách với những bức tường vô cảm trống trơn. Không gian thinh lặng, khiến ngỡ thời gian như đang nhỏ giọt. Bụi lơ mơ bám trên bàn ghế xưa. Ngoài trời, qua cửa sổ, bóng tối hạ màn dần. Hồi lâu Phi Anh đứng dậy vào trong, đem ra trao cho tôi một bức tranh. Khổ nhỏ, bốn mươi nhân sáu mươi. Chưa kịp đóng khung. Dưới ngọn đèn vàng cổ lỗ, ánh sáng hắt lên trong tranh kỳ ảo, mượt mà. Tôi ngỡ ngàng: chân dung của chính tôi. Dáng vẻ phong trần, ánh mắt đắm say, môi nhếch lên khinh bạc. Phác họa một nụ cười xót xa.
Tôi ngước nhìn Phi Anh, thảng thốt:
– Anh cần được nghe em giải thích? Chuyện này…
– Nếu em nói ra, sẽ là phanh phui một điều bí mật ghê gớm…
– Anh có quyền được nghe không?
– Có. Anh có quyền…
Và cô đã nói. Giống như xưng tội lần cuối.
Hóa ra tôi cũng như bao nhiêu người khác, hết sức nghệch ngờ và cả tin. Một sự giả mạo ngoạn mục. Một kế hoạch tinh vi. Phi Anh quả là siêu trong những ứng biến tài tình… Suy cho cặn kẽ, chỉ vì tôi không có cơ hội, không linh cảm được đó chính là cơ hội. Tôi đã cố tình từ chối không tiếp cận em – một lần, hai lần, ba lần – để ngu dại đuổi chạy lao theo lớp vỏ hào hoa của nhan sắc, của sự mãnh liệt giả hình và ảo ảnh phù du của tài năng chân xác.
Trước ngày trở về, tôi một mình đi thăm ngôi mộ mới. Nấm đất nhỏ nhoi trên một sườn đồi, lọt giữa bạt ngàn hoa xuyến chi. Sương chiều bảng lảng, mây buông lửng lơ. Nữ họa sĩ tài hoa bạc mệnh, sống đời phiêu linh – ngắn ngủi mong manh nhưng chứa đầy ẩn ức. Bia mộ khiêm nhường định danh cuộc đời kín đáo của em. Nhưng chính em, Phi Yến, mới là tác giả đích thực của toàn bộ các bức tranh thêu kỳ ảo bằng tóc. Tác giả giấu mặt, tác giả khuất danh, tác giả trong bóng tối. Ngoài bệnh tim, em còn mắc phải một chứng bệnh kỳ lạ: sợ tiếp xúc với con người. Sợ đám đông. Sợ để lộ mình. Sợ thay đổi hoàn cảnh sống. Sợ đối diện với những gì không quen thuộc.
Và đây là điều khó hiểu nhất trong toàn bộ các điều khó hiểu: rằng em yêu tôi. Phi Anh kể rằng Phi Yến đã thêu khuôn mặt tôi trong bức chân dung bằng tóc của chính em – mớ tóc càng về sau càng thưa, càng rụng, càng xác xơ – nhưng vẫn là tóc của trinh nữ. Thêu như lên đồng, như hồn thoát xác. Có những khi mải mê bị kim đâm vào tay đến rỏ máu, vậy mà em vẫn không hay. Là tôi đó ư? Dáng vẻ phong trần, ánh mắt đắm say, môi nhếch lên khinh bạc. Phác họa một nụ cười xót xa. Là tôi ư? Tôi không thể tin, không thể nghĩ… (Hết)
(Truyện ngắn hay nhất tại Truyenphimsex.com)