Chương 2
Sáng sớm hôm sau, Dũng dùng xe đạp chở chị lên Tân Bình. Trong năm học vừa rồi, thỉnh thoảng đọc báo, Dũng biết tại đây có nhiều xưởng dệt mới mọc lên, họ cần tuyển thợ có tay nghề và trả lương cũng kha khá. Do đó, nhân kỳ nghỉ hè, Dũng về quê và bàn với má là cho chị Lan vào Sài Gòn kiếm sống, đỡ đồng nào hay đồng đó chứ ở quê biết làm gì ra tiền phụ má? Sau nhiều ngày bàn bạc, cuối cùng má đồng ý cho chị Lan vào Sài Gòn tìm việc làm. Đang nghĩ lan man như thế thì chẳng mấy chốc hai chị em đến khu thợ dệt Bảy Hiền. Phố xá đông đúc. Dũng dừng xe trước một công ty may. Ở đó có tấm biển đen với dòng chữ viết bằng phấn trắng: “TUYỂN GẤP 200 CÔNG NHÂN MAY HÀNG XUẤT KHẨU. LƯƠNG TRẢ THEO SẢN PHẨM”.
Dũng đưa xe vào trong bãi giữ xe của công ty. Khi nhận lấy phiếu giữ xe, thấy ghi số 9, Dũng khấp khởi mừng thầm. Dấu hiệu của sự may mắn đây rồi. Hai chị em nhanh chân bước vào cổng. Ông bảo vệ quát:
– Anh chị đi đâu vậy?
Dũng dừng lại:
– Dạ, thưa bác, chúng cháu đến xin việc.
Ông chỉ tay:
– Đi thẳng đến phòng Tổ chức ở kia kìa.
Lan lí nhí:
– Dạ, cám ơn bác!
Hai chị em vừa định bước đi theo hướng chỉ tay thì ông bảo vệ đã ngăn lại:
– Này, tôi nói cho biết nhé! Trước kia khi chưa về hưu, tôi từng làm quản đốc nơi đây, dưới tay hàng trăm công nhân chứ không phải đùa đâu!
Chị em Lan ngơ ngác không biết ông ta nói như thế với ngụ ý gì? Bỗng ông ta đưa ra cái hộp quẹt:
– Tôi có lửa đây!
Dũng nhanh trí hiểu ý, anh chạy ra ngoài mua mấy điếu thuốc lá đưa cho ông bảo vệ. Thấy Dũng biết điều, ông ta cười:
– Chúc cả hai thành công nhé!
Dũng và Lan gật đầu và xoải chân bước nhanh. Trong đó có khá đông người đang đứng xếp hàng, Dũng và Lan đứng nối đuôi theo sau. Thời gian chậm rãi trôi qua. Một thanh niên đeo kính trắng đang cắm cúi ghi chép sau khi hỏi khả năng của từng người xin việc. Đến phiên Lan, anh ta hỏi nhưng vẫn không ngẩng đầu lên:
– Chị biết may chứ?
Lan bình tĩnh:
– Dạ, biết rồi.
Biết may những thứ gì?
Lan thành thật:
– Dạ, ở nhà em thường may bộ đồ bà ba cho bà con lối xóm. Em còn biết cắt nữa.
Vẫn cắm cúi ghi ghi chép chép, anh ta nói:
– Tốt. Nhưng ở đây, chúng tôi cắt bằng máy, chỉ cần thợ biết may. Mà may bằng máy công nghiệp, rất hiện đại. Dù biết may rồi vẫn phải học một thời gian, nhưng không lâu đâu.
Lan khấp khởi mừng:
– Dạ, em xin cố gắng.
Bấy giờ, anh ta mới ngẩng đầu lên nhìn Lan:
– Được, hồ sơ cứ để đây. Chúng tôi đồng ý nhận chị vào làm. Nhưng chị có thể xuống ngay phân xưởng để thử tay nghề được không?
Dạ, được.
Xong, anh ta lấy tay sửa lại giọng kính, hỏi Dũng:
– Còn anh?
Dạ, em là sinh viên. Em đang đi học.
Vậy hả? Thế thì… xin lỗi, cho tôi gọi người tiếp theo.
Chị Lan được một người dẫn đến phân xưởng may. Qua vài đường may, người kiểm tra săm soi, rồi lại đưa qua cho người khác. Cả hai người này cùng gật đầu, trao đổi với nhau những câu gì đó. Lan ngồi theo dõi họ kín đáo với cặp mắt lo âu. Lát sau, một người đến bên Lan:
– Đường may của chị tương đối khá. Chúng tôi đồng ý tuyển chị vô công ty. Chị có thể làm việc ngay từ giờ phút này được không?
Dạ, được ạ. Nhưng… cho xin 5 phút?
Làm gì?
Tôi ra ngoài cổng, nói người nhà về trước.
Được. Nhưng nhanh lên nhé.
Lan mừng quýnh, chạy nhanh ra ngoài. Chị bước xuống cầu thang, không quen, suýt ngã. Dũng đứng đợi, thấy chị ra, hồi hộp:
– Chị Lan, thế nào? Được không?ø
Lan cười thật tươi:
– Được, em à. Họ cho làm việc ngay. Thôi, em về đi. Chị vào phân xưởng đây.
Dạ, nhưng chị may cẩn thận nghe, kẻo kim đâm vô tay đấy. Hôm trước em đi thực tập ở bệnh viện gặp trường hợp đó rồi đấy!
Em yên tâm. Thôi, về đi học nghen.
Nói xong, Lan vụt chạy vào. Dũng nhìn theo chị với niềm vui khó tả. Ngước mắt nhìn lên trời, Dũng cảm thấy trời bềnh bồng mây trắng và đáng yêu hơn mọi ngày.
Người quản đốc dẫn Lan đến phân xưởng may. Họ xếp Lan may cạnh một cô gái. Cô này chưa chi đã nhìn Lan bằng cái nguýt dài… Không nhận ra điều đó, ông quản đốc vẫn hồ hởi:
– Đây là Hằng, còn đây là Lan. Hai người làm quen với nhau đi.
Lan gật đầu, mỉm cười chào Hằng với ánh mắt đầy thiện ý. Nhưng Hằng không thèm đáp lại, thậm chí còn quay mặt đi.
Nhưng Lan coi như không. Chị ngồi xuống, mở máy. Áo từ các máy khác theo dây chuyền, được chuyển đến. Lan lúng túng tìm kéo cắt chỉ, nhưng không thấy. Chị mở ngăn kéo, cũng không thấy nên quay sang hỏi Hằng:
– Chị, cho tôi mượn cái kéo.
Hằng nguýt Lan một cái rồi tiếp tục may. Ngay lúc đó, người quản đốc chạy tới, hỏi:
– Sao, Lan, em cần gì?
Dạ, em tìm cái kéo.
Ông ta nheo mắt cười:
– Ồ, nó ở đây. Xin lỗi, tôi không chỉ cho em những dụng cụ để chỗ nào. Đây là ngăn đựng kéo. Còn ngăn đựng chỉ đây.
Dạ, em cảm ơn.
Lan cúi xuống cặm cụi làm việc. Người quản đốc đứng nhìn hài lòng rồi quay lưng bước đi.
Thời gian chậm rãi trôi qua. Tại căn phòng trọ, Dũng vẫn đang chăm chú ngồi học bài. Đồng hồ gõ nhịp trên tường. Trước mặt anh là những hình vẽ nhằng nhịt miêu tả sự phức tạp của các bộ phận trong cơ thể người. Mắt Dũng như dán vào đó. Tay anh cầm đi bút lần theo từng đường dây thần kinh như những chuỗi xoắn vào nhau trên cơ thể.
Bỗng chuông reo đúng 10 giờ. Dũng vội buông bút, dắt xe, khóa cửa, rời khỏi nhà. Anh đạp xe ra khỏi con hẻm nhỏ. Xung quanh, từng ngôi nhà như đã ngủ yên. Chỉ còn tiếng chó sủa vu vơ.
Thành phố về đêm vắng vẻ, một sự vắng vẻ thật thơ mộng và trữ tình. Từ những ngọn đèn hắt ra những khoảng sáng mờ như một vầng sương bao phủ lên đường phố. Những mái nhà màu cần lao nhấp nhô như sóng lượn. Từng bức tường, từng khung cửa ra vào của mỗi ngôi nhà như những gương mặt đôn hậu, lặng im đứng trầm tư đang thở ra từng hơi thở dịu dàng sau một ngày lầm than, mệt mỏi. Và những hàng cây đứng trang nghiêm trong đêm, hiền lành biết bao. Những cành lá như những bàn tay buông thõng, một sự nghỉ ngơi đầy thanh bình. Gió từ sông Sài Gòn thổi vào khiến Dũng mát rượi. Anh mở phanh ngực áo, ngẩng lên đón gió lồng lộng. Trong lòng anh như đang ngân vang một giai điệu nhạc trong trẻo, ấm áp của một ca khúc quen thuộc mà giới trẻ thành phốù đang yêu thích. Và Dũng cũng huýt sáo theo…
Nhà máy kia rồi. Dũng đạp xe đến đúng lúc nhà máy tan ca. Trước cổng đã có khá nhiều chàng trai đứng bên xe đón người thân. Phần lớn là xe máy, chỉ có vài xe đạp. Dũng dừng bên đường, ngó sang. Công nhân lũ lượt ra về. Gương mặt ai cũng mệt mỏi nhưng trên môi họ không tắt được nụ cười, nhất là khi các cô gái gặp người yêu đang kiên nhẫn đứng đợi. Đặc biệt, trên những gương mặt cần cù ấy, sáng lên những niềm tin ấm áp trong đêm. Từng đôi, từng đôi lần lượt ra về. Từng người, từng người í ới gọi nhau, đợi nhau, cùng ra về. Riêng Dũng, chờ mãi không thấy chị Lan. Mãi đến khi mọi người ra thưa thớt, Dũng mới thấy chị Lan dìu Hằng đi ra. Dũng chạy đến:
– Sao? Có chuyện gì vậy, chị Lan?
Lan đáp:
– Không có gì cả. Chị Hằng, bạn cùng phân xưởng của chị bị trúng gió em à. Hay em đưa Hằng về trước?
Còn chị thì sao?
Lan nói quả quyết:
– Chị sẽ đi xe ôm về nhà, em đừng lo cho chị.
Dũng không đồng ý:
– Không được đâu. Đi xe ôm một mình trong đêm nguy hiểm lắm. Hay thế này, chị đợi đây, em đưa Hằng về rồi quay lại đón chị?
Cũng được. Đi ngay đi. Chị ngồi nhờ trong phòng bảo vệ.
Từ nãy đến giờ Hằng nhăn nhó, giờ mới lên tiếng:
– Không sao đâu. Lan cứ về trước đi, lát nữa mình về cũng được.
Thôi, Hằng lên xe đi. Áo khoác mình đây, khoác vào kẻo lạnh.
Thái độ ân cần của Lan khiến Hằng cảm động lắm. Hằng cảm thấy mắc cỡ khi sáng nay đã có thái độ không mấy thiện cảm với Lan. Lúc đó, Lan dìu Hằng lại xe Dũng, vừa choàng áo mình lên người bạn mới quen. Dũng giữ xe cho Hằng ngồi. Anh hắng giọng:
– Cẩn thận vào nghen! Xong chưa? Khởi hành nhé!
Hằng cố nhịn đau, mỉm cười, ấp úng:
– Xong rồi! Sao lại nói là “khởi hành” nhỉ?
Dũng không đáp. Xe từ từ chuyển bánh. Hằng cứ bám chặt vô yên xe. Nhưng đi được một đoạn, không chịu nổi, cô đành ngả người, gục đầu vào lưng Dũng. Có hơi ấm của cô gái, lúc đầu Dũng hơi e thẹn. Anh cảm thấy hơi nhột. Xe loạng choạng. Dũng thử cố ngoái nhìn lại xem cô gái ngả đầu vào mình như thế nào, nhưng không được. Bởi đây là lần đầu tiên anh chở một cô bạn gái lạ trên xe. Anh không nói gì. Hằng cũng không nói gì.
Trên đường đi, thỉnh thoảng Dũng ngẩng đầu lên nhìn bầu trời đầy sao. Đêm bình yên. Nhưng bất chợt Dũng nhìn xuống đất. Anh vội thắng ngay xe lại. Âm thanh của má phanh cọ vào vành xe vang lên khô khốc. Anh vội nhảy xuống. Hằng vội hỏi:
– Sao vậy Dũng?
Không sao. Em cứ ngồi yên trên đó.
Khi Dũng cẩn thận giữ xe cho chắc rồi từ từ dắt xe qua ổ gà. Hằng ngồi trên, môi mím chặt, bám chắc lấy xe. Qua được đoạn đó, Dũng thở phào, mỉm cười quay lại bảo Hằng:
– Em ngồi cho chắc. Ta đi tiếp nghen?
Dũng nói chi lạ? Tôi mà là em?
Dũng cười khì:
– Tất nhiên rồi!
Hằng kêu lên:
– Tôi là bạn của Lan. Dũng cũng phải kêu tôi bằng chị mới ngoan. Nếu không thì tôi không đi xe của Dũng nữa đâu.
Hằng vội nhảy xuống xe.
Chết chết. Xin lỗi. Dũng đùa đó mà…
Dũng phải năn nỉ mãi, Hằng mới chịu lên xe đi tiếp.