VN88 VN88

Mùa hoa loa kèn

Phần 2

Tôi ngậm ngùi không biết nói sao.
Đêm ấy, gia đình tôi thức khuya, tôi, lúc này là một người đàn ông có tuổi, còn cha tôi đã làm ông nội từ lâu. Tôi nói :
– Con muốn viết ít dòng về bác Liên. Mọi chuyện về bác mấy chục năm qua con đã biết kỹ, riêng còn một khoảng trống : cuộc sống tình cảm, tình ái của bác ở thời tráng niên. Vì sao một người đàn ông, một người thanh niên ăn chơi nhất hạng Hà thành như bác lại không có bóng dáng một người phụ nữ nào trong cuộc đời ?
Đột nhiên cha tôi nổi cáu lên :
– Tao không nói bác ấy là người ăn chơi nhất hạng mà là ăn diện nhất hạng. Mày cứ liệu hồn với những từ ngữ nói ẩu với bố như thế.
Tôi biết lỗi, nín lặng. Mẹ tôi thấy thế thương hại kể :
– Thời trước cách mạng, có cô Lệ Lý học trước mẹ mấy năm ở trường Đồng Khánh nổi tiếng đẹp và ngổ ngáo. Trong khi các cô khác đi học còn phải có anh xe nhà đưa đi, đón về thì cô Lệ Lý dám mặc quần soóc, đi xe đạp đến trường. Bác Liên mê cô này lắm. Bác Liên là con giai cả ông Tuần phủ, khi ấy đã đỗ cử nhân luật rồi nhưng bác khinh nghề quan lại, không thèm đi thi tri huyện. Còn cô Lệ Lý là con ông Hàn ở gần nhà bà ngoại mình ấy. Nhà ông Hàn có mở xe đòn đám ma. Gia đình ông Tuần có ý chê nhà ông Hàn hạ lưu, giàu sổi, không môn đăng hộ đối. Thế rồi bà Tuần bị bệnh chết đột ngột, câu chuyện đành gác lại ở đấy. Ngày ấy sắp sửa cách mạng, Hà Nội cứ ầm ầm cả lên, rồi cách mạng thành công, rồi kháng chiến, rồi tản cư mỗi người mỗi ngả không biết sau này ra sao ?
Lúc này cha tôi bớt nóng, ông hứa sẽ hỏi thêm mấy người bạn của bác Liên cùng đi tham gia kháng chiến rồi sẽ kể cho tôi.
Nhờ cha tôi giới thiệu, tôi chịu khó đi hỏi han nhiều người chắp lại, được câu chuyện này. Vì câu chuyện kéo dài suốt cả một đời người nên tôi dùng đại từ “ông” và “bà” để chỉ bác Liên và cô Lệ Lý. Như cha mẹ tôi đã kể thoáng qua. Dự định của ông muốn hỏi bà bị gia đình cụ Tuần ngăn trở. Ngày ấy làm gì có tự do hôn nhân mặc dù anh là người văn minh âu học đến đâu chăng nữa. Ông và bà chỉ biết đưa mắt nhìn nhau mỗi buổi tan học, khi ông đứng đợi bà ở xa xa cổng trường. Suy đi tính lại, cuối cùng ông nhờ một bà bác họ xa ở tận Thành Nam có quen biết cả hai nhà lên Hà Nội đưa ông đến ra mắt nhà gái. Bữa ấy thật rộn ràng. Nhà cụ Hàn đèn nến sáng choang như ngày tết, kẻ ăn người làm đi lại nhộn nhịp. Khi ông đến, nơi này chào, nơi kia chào “Lạy quan cử ạ ! Lạy quan cử ạ !” Tiếng các cụ tấm tắc “Cậu cử con cụ lớn Tuần nom tuấn tú quá !” Chuyện vãn một tuần trà, cụ Hàn nổi cơn thèm “ù” chi chi, bát sách” lên, vẫy tay gọi ông :
– Này cậu cử. Mời cậu vào một chân.
Ông đứng dậy, lễ phép :
– Bẩm các cụ, xin mời các cụ, con không biết chơi xin kiếu ạ !
Cụ Hàn cười khà khà.
– Cậu cử há lại chẳng biết câu này sao :
“Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè mạn bảo, xem nôm Thúy Kiều…”
Cũng may vừa lúc đó cô Lệ Lý bưng khay nước tha thướt đi lên. Cụ Hàn bảo :
– Này cô, cậu cử không thích đánh tổ tôm, cô mời cậu cử vào phòng trong uống nước.
Bữa ấy tháng tư, trong phòng của bà có một bình hoa loa kèn đang nở. Lần đầu tiên ông được ngồi gần bà đến thế.
Mùi vị và hương sắc thấm đẫm trái tim lãng tử của ông. Ông ví bà với cô gái trong họa phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân. Ông nhấn mạnh hoa ấy không phải hoa huệ mà là một loài hoa gốc châu Âu tên là lis tiếng ta gọi là hoa loa kèn hay hoa huệ Tây. Hoa ấy là hoa biểu trưng của đoàn hướng đạo sinh thể hiện tính ngay thẳng và lòng trong trắng. Bà ngồi yên nghe, e lệ chứ không dạn dĩ như ông tưởng.
Vài tháng sau ông còn được đứng gần bà thêm một lần nữa khi bà cùng đoàn nữ sinh áo dài trắng trường Đồng Khánh lên sân khấu Nhà hát lớn thành phố hát ra mắt ca khúc “Đàn chim Việt” của Văn Cao : “Về đây khi gió mùa thơm ngát ơi cánh chim giang hồ…”
Lần này ông mạnh dạn mời bà đến thăm nhà ông, như bạn bè. Bà ngước mắt lên rồi nhìn xuống :
– Thôi, anh ! Quan Tuần nghiêm lắm. Em sợ.
Việc bà cụ Tuần mất đột ngột làm ông khuỵu xuống. Nỗi buồn riêng cộng với nỗi đau tang chế khiến ông nằng nặc đòi về quê ở để trông nom phần mộ mặc dầu cụ Tuần năn nỉ ông ra ứng thi tri huyện kỳ này : “Anh ra làm quan cho tôi lấy một ngày cũng được”. Ông sống hơn một năm ở quê nhà. Đến lúc khởi nghĩa tháng Tám bùng nổ, ông tham gia cách mạng ở làng rồi làm công tác xã hội cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến ông không có dịp gặp lại bà nữa. Tây đánh lên, ông đi thẳng vào cuộc trường kỳ kháng chiến với tấm lòng của một người thanh niên trí thức hào hoa, hồn nhiên và ngay thẳng. Ông làm việc kháng chiến nhưng ông vẫn ăn diện, vẫn có người bõ già đi theo hầu như thuở nào. Ông được cử làm thanh tra tuyên truyền một tỉnh miền trung du. – đấy, ông được biết tin bà đi tản cư và đã lấy chồng. Chồng bà là một chỉ huy quân sự xuất sắc vùng chiến khu với dáng vẻ ngang tàng trận mạc : bộ quần áo kaki Mỹ, khẩu súng lục trễ bên hông, vị chỉ huy bộ đội đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô nữ sinh đẹp lẫy lừng Hà Nội. Làm quen nhanh rồi đám cưới cũng nhanh vì cuộc chiến không trùng trình đợi ai. Sau khi lấy chồng bà thoát ly làm cán bộ phụ vận.
Kháng chiến khói lửa ngút trời nhưng những dịp tình cờ vẫn có. Đoàn công tác phụ nữ của bà đi sang tỉnh ông. Hai người gặp nhau bên một hẻm đồi khi ông đi một mình về cơ quan, vừa đi vừa nghêu ngao:
“Những chàng trai chưa trắng rợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm…”
Chuyện trò, khai hội suốt cả buổi chiều, họ gặp nhau vào buổi tối. Đêm ấy có trăng, không khí thoáng đãng của vùng tự do xóa tan lễ giáo nghìn xưa. Hai người ngồi bên cạnh nhau dưới một gốc cây cọ, những tán cọ xòe to che chở họ. Bà nghẹn ngào vì đau khổ : một bên là ông hào hoa phong nhã, người bà từng ước mơ ngày xưa, một bên là người chồng anh hùng đang xả thân nơi chiến địa. Ngồi nói chuyện, hai người cứ xích lại gần nhau rồi bà nằm trong tay ông lúc nào không biết. Đến khi hai vạt áo của bà rơi ra, người ông run bắn lên. Ông cảm thấy thân thể bà cũng đang run trong tay ông. Một thoáng qua, ông rùng mình hiểu tất cả. Cặp mắt bà kinh hoàng hệt như cặp mắt của một con nai sắp bị đem đi giết thịt. – đấy có hai giọt lệ rơi ra trong tiếng nấc : “Không, không được đâu anh ơi !” Thêm một phút nặng nề nữa, ông và bà cùng đứng dậy, nhọc nhằn. Xa xa, trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ven đồi thấp thoáng ánh đuốc của những người đi học bình dân học vụ trở về.
*
Sau ngày kháng chiến thắng lợi, cùng trở về thủ đô bà vẫn biết tin tức ông nhưng bà cố gắng không tìm gặp ông. Chuyện chưa có gì cả, vả lại bụi thời gian đã phủ mờ. Những năm hòa bình mới lập lại có nhiều vấn đề phức tạp lắm. Hơn thế, chồng bà đã được phong tướng bà còn bận bịu với biết bao công việc.
Đến khi nghe một bà bạn nói chuyện ông tu hành theo Phật, bà sửng sốt, thoạt đầu không tin : “Ai đấy chứ, người ấy thì có bao giờ…” Bà suy tính rồi quyết định đến thăm ông. Tình cờ, hôm ấy cũng là một ngày tháng tư. Bà cho cậu lái đỗ xe xa xa phố nhà ông ở. Bà dắt theo đứa cháu nội, tha thẩn vào chợ tìm mua một bó hoa loa kèn thật đẹp, bọc cẩn thận bằng lá rồi mới lên nhà ông “Hai mươi chín năm trời…” bà lẩm bẩm. Khi bước lên cầu thang bà bỗng thấy bối rối như bà không phải là bà bây giờ mà vẫn là cô nữ sinh Lệ Lý ngày nào. Xưa kia bà đã không dám tới nhà ông dù bà rất muốn, nếu bà lên nhà ông hôm ấy, cuộc đời ông chắc khác… chẳng đến nỗi như bây giờ.
– Quý bà vào lễ Phật.
Tiếng nói của ông có già đi nhưng vẫn trong trẻo nhẹ nhàng. Bàn thờ Phật ông bày gọn, không u tịch mà vẫn nghiêm trang. Thoáng chút rùng mình trong khói hương, bà thốt lên lời đáp “Mô Phật” ông vừa châm xong cây đèn ở phía cuối bàn thờ khoan thai bước ra. Ông không mặc áo tu hành, không đeo tràng hạt, không gọt tóc. Ông mặc áo sơ mi vải phin xanh da trời, quần âu kaki Nam Định, đều là thẳng nếp, có đủ măng sét gài ở cổ tay áo. Tóc ông thưa, hói đến nửa đầu, ngả bạc gần hết. Ông đã nhận ra bà, bước chân ông chỉ hơi chững lại một phút rồi ông khoan thai đi tiếp đến bên bàn nước, nhấc chiếc ghế mây :
– Mời bà ngồi xơi nước.
Ông chậm rãi súc ấm, chén pha trà. Bà ngồi lặng đi, cầm chặt tay đứa cháu nội, nhìn ông, nhìn xung quanh nhà ông :
– Ông Liên… anh Liên, anh sống thế này ư ?
Ông đưa chén nước cho bà bằng hai tay. Cái chén sứ rất mỏng, đặt trên cái đĩa chén cũng rất mỏng, nắng quái từ cửa sổ chiếu vào in rõ ngấn nước chè vàng đậm trong lòng chén. Mùi hương trà ướp hoa sen thoang thoảng theo làn hơi trắng cứ vẩn vơ mãi trên cái màu óng ả của nuớc trà loại một. Ông chậm rãi :
– Từ năm một nghìn chín trăm năm mươi bảy, tôi thấy yếu sức, tôi xin nghỉ. Bây giờ thì… ông đưa mắt nhìn xung quanh gian phòng mình : bàn thờ, giá sách, lọ hoa, ngọn đèn… bà thấy đấy, tôi đọc sách, chăm cây cảnh và đi thăm thú bạn bè.
Ông không hỏi thăm gì về đời riêng của bà. Bà cũng biết những nét chính về cuộc sống của ông qua lời bà bạn kể lại. Thời giờ ít, bà muốn đi ngay vào việc cụ thể. Bà hỏi :
– Anh Liên, anh ăn chay có thấy người mệt lắm không ?
– Tôi không ăn chay – Ông đáp ngay – tôi thích những thức ăn thực vật : lạc, vừng, rau tươi, hoa quả, chúng hợp với tạng tôi.
Bà không chịu :
– Em hiểu. Phiếu thực phẩm của anh là phiếu nhân dân loại N, thịt ướp đá, bạc nhạc, nước mắm loại ba. Em sẽ lấy được cho anh sổ hưu trí. Với mức lương của anh, anh sẽ có phiếu cán bộ bìa C. Anh xứng đáng được hưởng như thế.
Ông khoát tay :
– Đừng !
Bà im bặt. Lời đáp của ông nhẹ nhàng nhưng đanh làm tan biến bao dự định bà toan tính làm cho ông mà chắc chắn bà làm được. Ngồi một lát, bà cố vớt vát lần cuối cùng.
– Dù sao anh cũng phải ăn đủ chất để giữ sức khỏe. Em không dám đến thăm anh luôn, sợ phiền anh. Em sẽ cho chú lái xe hàng tháng mang những thực phẩm tốt lại cho anh dùng. Em có sổ cung cấp riêng, anh Liên ạ !
Đôi mắt ông ánh lên một tia giễu cợt :
– Nuôi tăng tức là kính Phật, xin bà cứ tùy tâm. Tôi nguyện hàng ngày cầu Đức Phật phù hộ cho bà.
Bà không giận ông vì câu nói ấy. Bà giữ đúng lời hứa. Ngay tháng sau bà cho người đến biếu ông hai bộ quần áo may bằng lụa Ấn Độ, hàng tháng bà gửi thực phẩm đến cho ông đều đặn còn ông dùng hay cho đi, bà không biết. Phần bà, mỗi năm cứ vào khoảng tháng tư dương lịch bà lại dắt theo đứa cháu nội đến thăm ông. Lúc đến, bà cho xe đỗ ở xa xa nhà ông, bà dắt đứa cháu vào chợ mua một bó hoa loa kèn to mang lên cắm đầy các bình hoa trên bàn thờ Phật. Những năm về sau ông thường ngồi thiền định lâu hơn, hầu như có lúc ông không để ý đến khách vào. Dù ông có tiếp hay không tiếp, lần nào bà cũng ngồi lại nhìn ông khoảng ba mươi phút rồi mới về. Lúc lên xe, lòng bà nặng trĩu…
*
Sáng hôm sau tôi đến đám tang thật sớm vì cha tôi dặn đến sớm xem có việc gì thì giúp. Thật ra tôi không phải làm gì. Hội thọ đứng ra làm thủ tục còn hội Phật giành quyền tổ chức nghi lễ. Đám tang của bác Liên đông lắm, đông nhất là Phật tử, các bà, các cụ thường ngày mỗi người một việc, có bà buôn bán ngoài chợ, làm chủ cửa hiệu, có bà là cán bộ về hưu, có bà làm mướn, làm công… đủ cả. Nhưng hôm nay trông bà nào cũng như nhau : áo dài nâu sồng màu đất, chuỗi tràng hạt đen huyền và gương mặt sùng kính. Tôi biết rằng một chữ Phạn in trong cuốn kinh cầm trên tay kia các bà cũng không biết. Tôi biết rằng một bụng chữ của các kho tàng Phật pháp mà bác Liên đã mang theo kia, các bà không hiểu rõ lấy một phần. Tôi còn biết rằng nhiều năm nay các bà không tới lễ ở bàn thờ nhà bác Liên nữa vì bác đã thay ngôi tam thế bằng pho tượng Đức Phật riêng của bác. Vậy mà những tà áo dài nâu vẫn lặng lẽ trôi đi bên xe tang, trôi đi rất lâu. Tiếng tụng kinh vẫn lan đều từ những bàn tay lần tràng hạt. Cờ phướn bay trên khuôn mặt đoàn người.
Phía dưới cùng đám tang là các cụ cựu sinh viên trường luật : bạn học của bác Liên và của cha tôi. Các bác đều đã trên bảy mươi cả, có bác bảy ba, có bác bảy tám, một thời chưa xa, các bác còn là đàn chiến mã tung hoành trên những lĩnh vực cao, xa nhất của đất nước : ngoại giao, thương mại, pháp luật, giáo dục… Nay, các bác đã về hưu cả. Có bác trông hồng hào nhưng mang bệnh huyết áp, có bác rắn rỏi nhưng bị khối u trong dạ dày, có bác đeo máy điếc. Tôi cũng có hân hạnh được biết gần hết các bác trong một số buổi họp lớp thường được tổ chức luân phiên ở nhà nhau, có mấy lần ở nhà tôi, thú thực, tôi rất mê phong cách tư duy của các bác : mỗi vấn đề, dù nghiêm chỉnh đến đâu đều được các bác nhìn nhận dưới góc độ hài hước và nhân bản. Trong những buổi liên hoan ngọt đơn sơ đó, nghe tiếng cười của các cụ già trí thức thật sảng khoái, vô tư lự, khác hẳn tiếng cười hô hố của bọn phàm
phu mà đôi ba lần, do công việc làm ăn, tôi được dự tiếp ở các nhà hàng sang trọng. Giờ đây, các cụ đi bên nhau bình thản để tiễn đưa một người bạn “về” trước. bác Tuấn, bảy mươi sáu tuổi, nhà nghiên cứu Hán Nôm có tiếng, cất giọng bùi ngùi.
– Năm một chín bốn mươi, đỗ tú tài toàn phần trường Bưởi được hai mươi anh, cả nhóm kéo nhau đi chùa Trầm chơi hôm ấy Liên hát bài “Biệt ly” của Doãn Mẫn nghe cảm lắm.
Bác Ngữ, tiến sĩ luật, bảy mươi nhăm tuổi, đi lui lại nói nhỏ với cha tôi :
– “Me sừ” Liên thành Phật thật chứ không phải bỡn. Chúng ta không thể so với “lúy” được, “lúy” trong sáng quá. Khi xưa, biết “toa” bị nạn “moa” không dám đến thăm vì sợ liên lụy. Lúc bấy giờ ai cũng sợ. Cánh ta chỉ là lũ chúng sinh muôn đời lẩn quẩn trong kiếp luân hồi, không bao giờ lên được cõi Niết bàn là phải.
Cha tôi chưa kịp trả lời thì bác Cơ đã kéo lại rủ bàn về cuộc họp lớp sắp tới.
Cuộc đi đưa tiễn người quá cố đã dài, đoàn người và xe tang dừng lại. Bà cụ ở tầng dưới nhà bác Liên đi mời trầu cau cho khách đàn bà và mời thuốc lá cho đàn ông. Hôm nay trông bà cụ khác hẳn : đôi môi cụ quết trầu đỏ tươi, tà áo dài nâu vải mới sột soạt, chuỗi tràng hạt lủng lẳng nơi bụng. Gặp
khách hỏi thăm nói phải tiếng “chết” bao giờ cụ cũng nhắc nhở :
– Ấy bác đừng nói thế, phải tội, cụ hóa đấy. Các bác đừng tưởng tôi để cụ đói nhé. Hàng ngày tôi thổi hai bữa cơm dâng lên, cụ truyền mang lên sân thượng cho đàn chim sẻ. Cụ muốn thanh tịnh. Hôm qua trời trở gió, cụ bảo tôi mang nước lên sân thượng cho cụ tắm. Lúc cụ hóa tôi nghe thấy có tiếng đàn, tiếng sáo trên trời…
Bà cụ ngước lên trời. Tôi cũng ngẩng đầu nhìn theo tay bà cụ chỉ, đau đây như nghe tiếng vỗ cánh của hàng vạn, hàng vạn đàn chim sẻ. Tôi không biết tôi đã đủ đức tin chưa nhưng tôi thấy lúc này lòng tôi trong trẻo lạ, cái thiện tràn ngập tâm hồn tôi. Còn gì nữa… Những toan tính đời thường hôm qua đối với tôi là vô cùng quan trọng thì hôm nay trở nên nhỏ bé và chìm đi đâu hết cả. Còn gì nữa…? Bất giác, như bị ám thị tôi nhìn về phía sau : một chiếc xe Nhật đời mới màu ghi, kính thẫm đi từ từ và dừng lại ở phía cuối đoàn người đi bộ đưa tang. Cửa xe mở, một bà cụ trông hồng hào phúc hậu nặng nhọc bước ra. Chính là bà, bà sang trọng, tháng tư, hoa loa kèn, bà Lệ Lý. “Sao đến bây giờ bà mới tới ?”
Tôi muốn kêu to lên nhưng cổ nghẹn cứng không thốt nên lời.
Bà cụ nặng nhọc bước ra, phải vịn vào vai một cậu trai chừng mười chín tuổi, chậm chạp từng bước tới gần xe chuyển cữu. Một tay đỡ bà, một tay chàng trai xách cái làn to, bên trong làn đầy những hoa loa kèn còn ương nụ, những nụ hoa nhòn nhọn, màu phớt xanh…
———
Nguyễn Hoàng Huy (Hà Nội)
(1) Bachelier Philosophie, Mathématique : bằng tú tài triết học, toán học nói tắt. (Hết)

(Truyện ngắn hay nhất tại Truyenphimsex.com)

VN88

Viết một bình luận