Huệ ngồi cách Hoa hai ghế, thấy John làm quá đáng, nàng sủa ra một tràng tiếng Anh bồi: “Don’t touch very much, she new work here, slow, slow…” (Đừng rờ rẫm nhiều quá, cô ta mới làm ở đây, chậm chậm lại). John hứng chí thêm, hắn ực một hơi ly rượu cạn vèo.
Lợi dụng lúc John lỏng tay bưng rượu, Hoa vùng ra khỏi hắn, chạy đến nơi Huệ , hổn hển than thở: “Chị nói nó muốn gì thì từ từ, làm em ngộp thở quá, chịu không nổi.”
Huệ đưa tay vỗ nhẹ vào vai Hoa: “Chị đã nói với Hoa, cái nghề này chán lắm, khách nó coi mình như con thú cái không bằng. Nó cho mình uống một ly nước cà, nó muốn vắt lại mình một bình sữa. Lần lần rồi em sẽ quen, em đừng coi mình là mình nữa, phải tưởng tượng mình như cục đá, khúc cây, nó muốn làm gì thì kệ nó. Em phải trơ trơ, càng chai lì càng có tiền. Đừng tỏ vẻ sợ nó hoặc xúc động gì cả. Nó rất khoái mình xúc động, nếu mình xúc động thiệt là coi như nó thắng, mà nó thắng thì mình sẽ thua. Kẻ thua sẽ bị hành hạ đủ điều không thương tiếc.”
Nghe Huệ giảng giải, Hoa gục gặc đầu, thiệt ra lúc đó hồn nàng đã bay bổng đâu mất rồi, có khi về một miền quê nào đó, có cây xanh cỏ dại với đồng lúa đơn sơ, với con trâu, con bò, con gà, con vịt.
Ôi! Dịu dàng biết bao nhiêu, thân thuộc đằm thắm biết bao nhiêu!
Rõ ràng bản chất mộc mạc quê mùa của Hoa sau một lần làm vợ bé miễn cưỡng cho thằng Chà Kasatri đã không cho nàng một chút kinh nghiệm nào về cuộc đời lứa đôi. Từ chỗ đó, sau hai tuần lễ hầu rượu ở quán Moonlight, Hoa đã nhẹ dạ nghe lời thằng John, mướn nhà riêng và ở với nó, theo kiểu vợ bao. Lúc Huệ biết ý định này của Hoa, Huệ có can gián, khuyên Hoa đừng nên quá vội vàng như vậy. “Tụi Mỹ nó coi mình như con điếm không hơn không kém, đừng tin gì vào nó cả, nó thấy Hoa khù khờ, nó bỏ tiền ra mua tháng mua năm mà thôi.” Với Hoa thì lại nghĩ khác, chẳng thà chịu đựng một thằng, có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, còn hơn mỗi đêm phải hầu cả chục thằng khác nhau. Hơn nữa vốn liếng tiếng Mỹ của Hoa nghèo nàn quá, cứ đêm đêm ngồi nghe nó sủa, nói chuyện bằng tay hoài cũng mỏi mệt lắm.
Thằng John làm ở phi trường Tân Sơn Nhất, Hoa thuê một căn nhà khang trang ở ngã tư Bảy Hiền, ban ngày John đi làm; tối vềđó hú hí với Hoa. Đối với Hoa thì thằng John hơn hẳn anh Chà Kasatri về sắc vóc lẫn tiền bạc. Jonh còn trẻ, ăn tiêu bảnh bao, lâu lâu nó còn dẫn Hoa đi bát phố, mua sắm đồ đạc, còn anh Chà Kastri thì suốt ngày đêm nhốt Hoa ở nhà như một con mèo cái, thỉnh thoảng vợ lớn của Kasatri còn lên giọng ghen tuông, tới chửi bới Hoa nữa. Với Hoa, trở ngại giữa nàng và John là cái món ngôn ngữ bất đồng, nhưng mà thây kệ, riết rồi cũng quen, thực ra giữa Hoa và John chỉ có liên hệ thân xác và tiền bạc là quan trọng. Như vậy thì cần gì phải tâm tình cởi mở, hoặc tìm hiểu lòng nhau mà làm gì. Hoa chỉ cần biết chữ “Money”, còn thằng Johnh thì “OK, go to bed”, như vậy thì có gì là khó khăn mà cần đến phải tiếng Mẽo tiếng Mum.
Trong việc Hoa về ở với John còn một động cơ thầm kín khác nữa mà chỉ có Hoa mới biết thôi. Ngay đến Huệ cũng không được nàng thổ lộ. Sau hai tháng rời nhà Kasatri về ở tá túc nhà Huệ, Hoa đã manh nha cảm thấy là mình đã có gì khang khác trong người rồi. Cái bụng Hoa hình như rục rịch một thứ kỳ lạ, kiểu cái bào thai đang tượng hình trong đó. Kinh nghiệm bản thân của một người nữ cũng báo động cho Hoa biết thêm bằng đừng kinh nguyệt tự dưng stop của nàng.
Thằng John thì nó không “care” cái vụ này. Đối với nó, miễn có miếng đất tươi tốt màu mỡ để cầy sới là được rồi, còn trong phần đất có nhú mầm loại giống gì cũng được. Có khi chính thằng John cũng biết điều này có cón khoái thêm nữa. Mai mốt nếu Hoa chửa đẻ, sinh cho nó một đứa con, thì nó còn lợi hơn vì lao động ít mà hưởng được huê lợi của người khác.
Mấy lần Hoa hỏi thăm nom mấy người hiểu chuyện thai nghén. Nhiều người khuyên Hoa nên phá nó đi, nhưng Hoa cứ phân vân hoài, bởi căn bản của nàng là một gái nhà quê mùa bị ảnh hưởng những lời răn dạy của ông bà rất kỹ. Theo Hoa phá thai là một hành vi tội lỗi rất nặng, khi chết xuống âm phủ sẽ bị rứt móng tay, móng chân và nếu đầu thai lên kiếp khác, sẽ bị làm cây chuối bằm cho heo ăn. “Thây kệ, tới đâu thì tới, đời mình cũng lỡ làng rồi. Cũng do số mạng cả.” Đêm nằm một mình, Hoa cứ nhủ thầm câu này. Nàng chỉ van vái sao cho đứa bé ra đời giống nàng chứ đừng giống thằng Chà Kasatri, vừa đen vừa hôi nách. Cuộc đời nhiều khi trớ trêu thật, với những người nữ bình thường khác, khi sắp có con đều mong cầu đứa con khi sinh ra giống cha, để từ đó thắt chặt thêm tình nghĩa vợ chồng. Trường hợp Hoa lại khác, cái chuyện Hoa có con với thằng Chà Kasatri thiệt hết sức miễn cưỡng. Nếu chẳng may đứa con sắp ra đời của Hoa nhè giống cha nó thì chắc thằng John chán lắm. Ai đời thằng Mỹ trắng lại cặp với con bồ Việt Nam lấy chồng Chà-và.
Mặc dù ở với John, ăn sung mặc sướng, truyền hình tủ lạnh không thiếu thứ gì, nhưng thần sắc của Hoa càng ngày càng suy lụn, cũng bởi sự suy tưởng quá đậm đà về đứa con tương lai của nàng. Càng nghĩ, Hoa càng thấy mình cần phải thủ cẳng, nghĩa là phải chơi năm ba đầu hụi, phòng hờ khi nàng sinh đẻ rồi, lỡ thằng John có đá đít, nàng cũng còn chút vốn liếng mà sinh nhai. John thì lại nghĩ khác, anh ta thấy Hoa hiền lành chất phác không bắt địa trắng trợn như mấy gái bán Bar mà hắn đã quen nên hắn rất mê Hoa. Hoa như cái ghế sofa có nhiều lò xo để dành cho một mình hắn ngồi, hắn muốn nhún kiểu nào thì nhún. Mấy chiếc lò xo chỉ biết bật lên bật xuống, như vậy là tuyệt diệu lắm rồi cho cuộc đời viễn chinh buồn thảm của hắn. Hắn cứ nhún cho đã đời, khi nào sofa rách, lò xo gay, lúc đó sẽ bỏ đi, và mua cái khác, đối với hắn, đâu có tốn kém gì đâu. Tinh thần đàn anh của một cường quốc đi giúp đỡ đàn em nhược tiểu luôn luôn thể hiện trong đầu óc John. Ngay cả việc mua vui làm nghĩa hoặc làm tình làm tiếc, phải tỏ ra mình là kẻ cả, chiến đấu cho lý tưởng tự do. Tự do ngay cả chuyện yêu đương hưởng thụ. Giúp đỡ một người phụ nữ tay yếu chân mềm, thật thà chân chất có miếng ăn, nhà ở, đối với John là một nhiệm vụ. Bù lại, John được trả ơn với giá của một chiếc sofa bằng xương bằng thịt, nhún nhảy êm ấm khoái tỉ dịu dàng, như vậy cũng còn rẻ chán!
Đúng như dự tính, Mỹ vẫn là Mỹ, trả tiền là hưởng thụ. John đối với Hoa y chang như vậy. Ngày đi đêm về, Hoa hầu hạ nó thì được cho tiền. Bữa nào mệt mỏi quá, tỏ ra bê trễ hay không làm nó hài lòng thì John lại qua đêm ở chỗ khác, tuần lễ đó John sẽ cho Hoa tiền ít hơn, nhiều khi nó làm mặt giận bỏ Hoa mấy đêm liền.
Bụng Hoa càng ngày càng lớn, ngày sinh đẻ cũng gần kề. John càng có cớ để vắng mặt hơn. Nhờ có bà Tư bên cạnh nhà Hoa thấy Hoa côi cut thường qua lại chăm sóc hỏi han, điều này cũng an ủi cho Hoa phần nào. Tội nghiệp thân bèo dạt hoa trôi, nhiều khi Hoa đem lòng giận hờn bà mẹ già tham tiền đã đem gả nàng cho thằng Chà Kasatri, vì thế nên mới ra nông nổi này. Cái xứ quê mùa của nàng ở tuốt miệt Giồng Trôm, mặc dù không quần là áo lụa nhưng đời sống êm ả, bằng an. Có đồng ruộng mênh mang con cò cái vạc, người dân lương thiện làm ăn, bà con lối xóm thân thiện nhau như bánh ít gói lá, có đâu hỗn loạn tranh dành từng li từng tí, mỗi giây mỗi phút là phấn đấu, mỗi giọt lệ chứa chan đau xót vì miếng ăn miếng uống. Thân phận Hoa càng bất hạnh hơn, có chồng mà cũng như không. Hết thằng chồng hờ Kasatri, tới thằng John mũi lõ. Họ không có một chút tình cảm nào, coi Hoa như cái nồi, muốn nấu lúc nào thì mang xuống nấu, không cần thì máng lên giàn để cho meo mốc, nhện giăng. Mỗi lần nghĩ tới đây Hoa mủi lòng rưng rưng mấy giọt lệ bất hạnh quẹt tới quẹt lui không ngớt. Mối hận thù đời đã gieo cấy trong lòng Hoa từ đó. Hoa định bụng khi sinh nở xong, sẽ gom một số tiền bồng con về xứ, tạ lỗi với xóm làng để xin được làm một phụ nữ mộc mạc chân chất cấy cầy ruộng lứa nương dâu. Hoa ôm cứng trong lòng ước mơ này và đợi ngày sinh nở. Thời gian đối với Hoa trôi chậm và nặng nề đã khiến mối ưu tư nàng thêm khắc khoải.
John ghét bà Tư hàng xóm ra mặt, mấy lần về nhà đột ngột, gặp Hoa và bà Tư xì xầm chuyện gì đó, nó xổ một tràng tiếng Mỹ. Hoa nghe cũng không hiểu ất giáp gì, nhưng nhìn thái độ hung hăng của John, Hoa biết nó bất mãn chuyện bà Tư có mặt ở nhà Hoa. Cho dù là Mỹ đi nữa, nó cũng có cái ghen tức bực bội khi cặp phải con đàn bà có chửa với người khác. Đối với John, đây là một điều sỉ nhục của dân nhược tiểu đối với đàn anh Cờ Hoa Mẽo quốc. Tuy còn trẻ nhưng John tính toán kỹ lắm. Nó ráng muối mặt lứa này để nhờ cậy lứa sau. Trong cái giàn chiêu đãi viên Việt Nam, thiệt ra nó chưa gặp ai ngon lành và dễ dãi, bắt địa nhẹ nhàng như Hoa cả. Con nào cũng chẳng ăn trăn quấn, miệng bằng tay, tay bằng miệng, hở ra là tiền. John đã gặp nhiều con mẹ chơi cả xì-ke ma tuý. Khi lên cơn ghiền, chúng nắm cổ John mà hành hạ. Với Hoa, John thắng thế rõ ràng. Hoa vừa ngu vừa hiền, cuộc đời trước mặt nàng đơn giản và những đòi hỏi vật chất cũng được Hoa hạn chế trong mức độ phải chăng. Bà Tư thì lịch lãm hơn, nhiều lần bà giảng giải cái nghĩa dại khôn của trò đời cho Hoa nghe. Bà thương Hoa, không muốn nàng thiệt thòi, khổ đau trong thế sống chồng mướn vợ thuê. Đã thuê đã mướn vợ thuê. Đã thuê đã mướn thì phải trả một giá đắt hơn, đắt hơn để khi sập tiệm còn có vốn liếng mưu sinh. Cái điều dậy dỗ của bà Tư đôi khi được Hoa mang áp dụng với John, nhưng vì quá vụng về đã khiến John phát giác ra được. Nó biết thủ phạm trong vụ bày kiểu bắt địa vòi vĩnh tiền bạc, chơi hụi sống hụi chết của Hoa do bà Tư đạo diễn. Bởi vậy mỗi lần thấy bà Tư qua nhà là John đâm nổi bực lên.
Hoa sanh được một tháng, thằng John mừng rỡ ra mặt. Không phải mừng vì có thằng con ghẻ lai Chà mà mừng vì Hoa đã mạnh khoẻ. Gái một con trổ mã lứa đầu xôm tự cỡ nào, giống cái nhà lá bỗng dưng trở thành nhà ngói chói chang. John nưng con thì ít mà nựng mẹ thì nhiều. Hắn vồn vã một cách tích cực theo cái kiểu cửa hàng đóng cửa lâu ngày, nay tự dưng được cho phép mở lại. Khách quen háo hức tới tìm mua lia lịa. Điều này mở mắt cho Hoa thấy rõ hơn về tính chất nuôi dưỡng của bọn đàn ông Mỹ. Sau lưng sự cưu mang của họ là một toan tính kỹ lưỡng. Hoa bỗng thấy mình có giá. Kiểu gái một con trông mòn con mắt. Nàng chưng diện tối đa. Theo đúng “bài thuốc” chỉ dẫn của bà Tư. “Nó lợi dụng mình, mình phại “địa” lại nó.” Mỗi lần John đòi lên giàn phóng, chiếc hoả tiễn của Hoa chuẩn bị thiệt chu đáo nẹt lửa rầm rầm.
Bài vở chuẩn bị thì hay nhưng chẳng qua là do số trời. Một tháng sau đó, Hoa lại dính bầu nj74a. Hoa không hiểu tại sao mà lại kỳ vậy. Bà Tư đã chỉ vẽ đường đi nước bước thật kỹ, thật mạch lạc, tại sao nàng còn bị trúng hầm chông của thằng John? Tính Hoa cũng lạ thật. Khi đã mang thai rồi, nàng không bao giờ nghĩ đến chuyện phá nó đi. Bản chất sợ tội lỗi kiếp sau phải trả luôn luôn đay nghiến lòng nàng. Thà chấp nhận thương đau còn hơn huỷ bỏ cục máu trong bụng, dù nó được cấu kết bởi ai. Thằng Chà Kasatri hay thằng John cũng vậy. John thì lăng xăng, quờ quạng, líu lo chăm sóc kiểu con gà trống lần đầu tiên nghe gà mái cục tác. John ầm ĩ khoe với bạn bè rằng nó sắp có một tác phẩm để đời. Rằng trong cuộc đời viễn chinh của hắn đã tạo ra một ý nghĩa lớn lao.
John thuê một căn phố khác rộng hơn, đẹp hơn cho Hoa ở. Nó biện luận có vẻ khoan dung và giai cấp: Con của nó với Hoa sẽ ra đời phải ở trong hoàn cảnh khả quan sung túc hơn lúc Hoa sinh con của thằng Kasatri. Thằng cha Á châu da đen phải thua thằng cha Huê Kỳ Mỹ quốc. Nhờ những toan tính có vẻ “đàn anh” này mà trong thời gian sau khi bầu bì, Hoa tương đối có một cuộc sống phì nhiêu hơn. Bạn bè Hoa lúc này cũng tới thăm nom nàng tấp nập. Người thì vay nợ, kẻ thì nhờ Hoa nói với thằng John giúp đỡ mua hàng PX; nhiều người tham lợi quá, cũng ước mong cặp được với một thằng Mỹ giống John, rồi cho nó để một bụng. Xong rồi đời lên hương ngay. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng họ đâu phải ai cũng giống Hoa, vừa quê mùa vừa có nhan sắc. Mặt rỗ môi thâm làm sao so với má hồng răng trắng được?
Bề ngoài Hoa cười vui líu lo với hàng xóm, nhưng bên trong lòng Hoa thì rầu thúi ruột. Ai đời mới sinh con được hai tháng lại mang bầu một tháng. Đứa con gái đầu lòng, con của Chà Kasatri, cũng may không giống bố mấy, nó lai nước da của Hoa, trong nó hơi trắng trắng, cộng với lỗ mũi cao, miệng rộng nên cũng kháu khỉnh, Hoa gởi nó cho bà Tư hàng xóm nuôi, theo ý thằng John muốn vậy. Bà Tư thấy con nhỏ không có khai sinh, mẹ nó lại giao nó cho bà quá sớm, bà coi mình như mẹ đỡ đầu, bà đặt tên cho nó là con Hai Ca để nhớ cái tê đầu của cha nó là thằng Chà Kasatri. Con Hai Ca, theo bà thì nó bất hạnh hơn đứa em nó hiện còn đang nằm trong bụng mẹ, bởi vì ít ra nó cũng có cha chăm sóc mẹ trong lúc tối lửa tắt đèn.
Cuộc đời đẩy đưa người ta đến chai lì lúc nào cũng không biết. Khi cảm nhận mình có chửa, Hoa âu sầu, rầu rĩ biết bao nhiêu nhưng đến khi cái bụng lớn rồi, Hoa thâykệ chấp nhận, tới đâu thì tới, miễn là phải tìm cách “địa” thằng John cho thật nhiều tiền, sắm được nhiều của rồi hạ hồi phân giải. Ở cái đất Sài gòn này, hễ nhiều tiền lắm bạc, cái gì cũng giải quyết được. Hoa mặc kệ mấy đứa nhỏ trong xóm mỗi lần gặp mặt chúng, chúng chọc quê Hoa:
“Thấy em có chửa muốn chừa, chừa rồi hết chửa lại ưa…
Ưa xong có chửa nên chừa nữa, chừa nữa đẻ rồi thì lại ưa…”
Mỗi lần bị chúng chế nhạo như vậy, muốn chúng im cái mồm thối lại, Hoa phải quẳng cho chúng một gói Salem. Chúng có thuốc, ngậm hút thì cái mồm phải câ lại là chuyện đương nhiên. Chúng không chọc Hoa kiểu này, nhưng chúng rỉ tai nhau gọi Hoa là “con Hoa chửa”. Cái tên nghe thiệt là thô tục nhưng rất trúng với cảnh đời của nàng. Chỉ một bước vấp ngã, đời Hoa đã đổi thay như diều đứt giây bait trong gió ngàn.
o O o
Cái số kiếp sanh con không cha hình như đã tròng quấn vào đời Hoa không biết tự lúc nào. Cho nên cứ mỗi lần đến ngày sinh nở, Hoa lại lâm vào tình cảnh này.
Còn chừng một tháng để “khai hoa nở nhuỵ” đứa con thứ hai thì John lại có lệnh về nước. Cũng giống như đứa con trước, Hoa chỉ còn có bà Tư hàng xóm chăm lo mọi việc đỡ đần đẻ chửa.
Đứa con ra đời lần này, an ủi cho Hoa hơn, nhờ “cái sự” lai Mỹ của cha nó, mũi cao da trắng, tóc vàng. Đó là một đứa con gái khôi ngô, ngộ nghĩnh. Dù cũng là con nhưng Hoa đã nghiêng hẳn tình cảm về cho cô bé này hơn con Hai Ca, con của Chà Kasatri vừa đen đúa vừa xí gái.
Cũng nhờ biết dành dụm theo kiểu “dạy dỗ” của bà Tư, mặc dù kể từ nay không có sự bảo bọc của John, nhưng Hoa đã có sẵn một số vốn làm ăn sinh lời. Từ một cô bé ở đợ cho Chà Kasatri, làm vợ tháng vợ năm cho thằng Mỹ háo sắc, cô Hoa trở thành cô Hoa cho vay nổi tiếng ở vùng Tân Sơn Nhất, chạy dài đến ngã ba Ông Tạ.